Các bên tham gia hợp đồng vận chuyển có quyền thỏa thuận về việc giảm trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp nào?
- Các bên tham gia hợp đồng vận chuyển có quyền thỏa thuận về việc giảm trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp nào?
- Nghĩa vụ của người vận chuyển hàng hóa theo chứng từ vận chuyển được quy định như thế nào?
- Có được phép chở hàng hóa trên boong tàu không?
- Trách nhiệm của người vận chuyển, người vận chuyển thực tế và người làm công, đại lý
Các bên tham gia hợp đồng vận chuyển có quyền thỏa thuận về việc giảm trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp nào?
Theo Điều 170 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định thời điểm phát sinh và chấm dứt trách nhiệm của người vận chuyển như sau:
- Trách nhiệm của người vận chuyển phát sinh từ khi người vận chuyển nhận hàng tại cảng nhận hàng, được duy trì trong suốt quá trình vận chuyển và chấm dứt khi kết thúc việc trả hàng tại cảng trả hàng.
- Việc nhận hàng được tính từ thời điểm người vận chuyển đã nhận hàng hóa từ người giao hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bên thứ ba theo quy định của pháp luật hoặc theo quy định tại cảng nhận hàng.
- Việc trả hàng kết thúc trong trường hợp sau đây:
+ Người vận chuyển hoàn thành việc trả hàng cho người nhận hàng; trong trường hợp người nhận hàng không trực tiếp nhận hàng từ người vận chuyển thì bằng cách trả hàng theo yêu cầu của người nhận hàng phù hợp với hợp đồng, pháp luật hoặc tập quán thương mại áp dụng tại cảng trả hàng;
+ Người vận chuyển hoàn thành việc trả hàng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cho bên thứ ba theo quy định của pháp luật hoặc quy định tại cảng trả hàng.
- Các bên tham gia hợp đồng vận chuyển chỉ có quyền thỏa thuận về việc giảm trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp sau đây:
+ Khoảng thời gian từ khi nhận hàng đến trước khi bốc hàng lên tàu biển và khoảng thời gian từ khi kết thúc dỡ hàng đến khi trả xong hàng;
+ Vận chuyển động vật sống;
+ Vận chuyển hàng hóa trên boong.
Vận chuyển hàng hóa
Nghĩa vụ của người vận chuyển hàng hóa theo chứng từ vận chuyển được quy định như thế nào?
Theo Điều 171 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định nghĩa vụ của người vận chuyển hàng hóa theo chứng từ vận chuyển như sau:
Ngoài nghĩa vụ quy định tại Điều 150 của Bộ luật này, người vận chuyển hàng hóa theo chứng từ vận chuyển còn phải có nghĩa vụ sau đây:
- Chịu trách nhiệm về việc bốc hàng, dỡ hàng cẩn thận và thích hợp, bảo quản chu đáo hàng hóa trong quá trình vận chuyển.
- Phải thông báo trong thời gian hợp lý cho người giao hàng biết trước về nơi bốc hàng lên tàu biển, thời điểm mà tàu sẵn sàng nhận hàng và thời hạn tập kết hàng hóa. Việc thông báo này không áp dụng đối với tàu chuyên tuyến, trừ trường hợp lịch tàu có sự thay đổi.
Bên cạnh đó, Điều 150 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định nghĩa vụ của người vận chuyển như sau:
Người vận chuyển phải mẫn cán để trước và khi bắt đầu chuyến đi, tàu biển có đủ khả năng đi biển, có thuyền bộ thích hợp, được cung ứng đầy đủ trang thiết bị và vật phẩm dự trữ; các hầm hàng, hầm lạnh và khu vực khác dùng để vận chuyển hàng hóa có đủ các điều kiện nhận, vận chuyển và bảo quản hàng hóa phù hợp với tính chất của hàng hóa.
Có được phép chở hàng hóa trên boong tàu không?
Theo Điều 172 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định hàng hóa chỉ được chở trên boong nếu có thỏa thuận giữa người vận chuyển với người giao hàng hoặc theo tập quán thương mại và phải được ghi rõ trong chứng từ vận chuyển.
Trách nhiệm của người vận chuyển, người vận chuyển thực tế và người làm công, đại lý
Theo Điều 173 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định trách nhiệm của người vận chuyển, người vận chuyển thực tế và người làm công, đại lý như sau:
- Người vận chuyển phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ quá trình vận chuyển theo quy định của Mục này mặc dù toàn bộ hoặc một phần của việc vận chuyển được giao cho người vận chuyển thực tế thực hiện. Đối với phần vận chuyển do người vận chuyển thực tế thực hiện, người vận chuyển phải chịu trách nhiệm về các hành vi của người vận chuyển thực tế và của người làm công, đại lý của người vận chuyển thực tế đảm nhiệm trong phạm vi công việc được giao.
- Người vận chuyển thực tế, người làm công hoặc đại lý của người vận chuyển thực tế có quyền hưởng các quyền liên quan đến trách nhiệm của người vận chuyển quy định tại Chương này trong thời gian hàng hóa thuộc sự kiểm soát của họ và trong thời gian những người này tham gia thực hiện bất kỳ hoạt động nào được quy định tại hợp đồng vận chuyển hàng hóa.
- Các thỏa thuận đặc biệt mà theo đó người vận chuyển đảm nhận những nghĩa vụ không được quy định tại Chương này hoặc từ bỏ những quyền được hưởng do Bộ luật này quy định chỉ có hiệu lực đối với người vận chuyển thực tế nếu được người vận chuyển thực tế đồng ý bằng văn bản. Dù người vận chuyển thực tế đồng ý hoặc không đồng ý thì người vận chuyển vẫn bị ràng buộc bởi nghĩa vụ phát sinh từ các thỏa thuận đặc biệt đó.
- Trong trường hợp cả người vận chuyển và người vận chuyển thực tế cùng liên đới chịu trách nhiệm thì được xác định theo mức độ trách nhiệm của mỗi bên.
- Tổng số tiền bồi thường của người vận chuyển, người vận chuyển thực tế và người làm công, đại lý của họ phải trả không vượt quá toàn bộ giới hạn trách nhiệm quy định tại Mục này.
Như vậy, các bên tham gia hợp đồng vận chuyển chỉ có quyền thỏa thuận về việc giảm trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp khoảng thời gian từ khi nhận hàng đến trước khi bốc hàng lên tàu biển và khoảng thời gian từ khi kết thúc dỡ hàng đến khi trả xong hàng; vận chuyển động vật sống; vận chuyển hàng hóa trên boong.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.