Ca sĩ bị phát hiện hít bóng cười trong bar có bị phong sát theo quy định của pháp luật hay không?

Tôi có câu hỏi muốn được giải đáp thắc mắc như sau ca sĩ bị phát hiện hít bóng cười trong bar sau đó bị tung hình ảnh bằng chứng lên các trang mạng xã hội thì có bị phong sát hay không? Câu hỏi của chị Q.L.A đến từ TP.HCM.

Ca sĩ hít bóng cười có vi phạm quy định pháp luật không?

Bóng cười thực chất là một loại khí N2O (Dinitơ oxit hay nitrous oxide) được nén hoặc bơm vào quả bóng.

Hiện nay bóng cười, cũng như khí N20 trong bóng cười không nằm trong danh mục chất ma túy và tiền chất theo quy định tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP.

Hay nói cách khác, cá nhân sử dụng bóng cười và khí N2O không bị coi là vi phạm pháp luật liên quan đến các chất ma túy.

Mặc khác, khí N2O là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công Thương, thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp Phụ lục II Nghị định 113/2017/NĐ-CP, khoản 3 Điều 2 Nghị định 82/2022/NĐ-CP việc kinh doanh và sản xuất khí N2O nếu không tuân thủ quy định này sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.

Như vậy, trong trường hợp ca sĩ hít bóng cười không bị coi là vi phạm pháp luật liên quan đến các chất ma túy.

Ca sĩ bị phát hiện hít bóng cười trong bar có bị phong sát hay không?

Bóng cười

Ca sĩ bị phát hiện hít bóng cười trong bar có bị phong sát hay không? (Hình từ Internet)

Căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 144/2020/NĐ-CP về dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật như sau:

Dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật bằng văn bản đối với một trong các trường hợp sau:
a) Vi phạm quy định tại Điều 3 Nghị định này;

Đồng thời căn cứ tại Điều 3 Nghị định 144/2020/NĐ-CP về quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn như sau:

- Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

- Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.

- Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

Mặc dù, như đã phân tích ca sĩ hít bóng cười không bị coi là vi phạm pháp luật liên quan đến các chất ma túy.

Nhưng trong Công văn 2954/BYT-KCB năm 2019 về việc khuyến cáo tác hại khí N2O và tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh, lưu hành khí N2O, Bộ Y tế có ý kiến như sau:

Trước những tác hại do việc người dân tự ý sử dụng khí N2O như một chất kích thích có thể dẫn đến tử vong, Bộ Y tế nhất trí với đề nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh và đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo công tác truyền thông về tác hại của khí này đối với sức khỏe con người.

Từ đó, có thể thấy rằng, việc ca sĩ bị phát hiện hút bóng cười có thể được xem là hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân gây tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xem xét và yêu cầu dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Bởi ca sĩ là người của công chúng và có sức ảnh hưởng nhất định trong xã hội đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ca sĩ bị dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật hoạt động có phải tự công bố công khai trên trang cá nhân của mình hay không?

Căn cứ tại Điều 17 Nghị định 144/2020/NĐ-CP về dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật như sau:

Dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật
4. Tổ chức, cá nhân phải dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kịp thời khắc phục hậu quả. Trường hợp tiếp tục thực hiện hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tổ chức, cá nhân có văn bản đề xuất phương án tiếp tục tổ chức gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.
5. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định và thông báo kết quả bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân liên quan biết, thực hiện.
6. Tổ chức, cá nhân bị dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật và chịu trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Như vậy, ca sĩ bị dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật và chịu trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Tóm lại, việc ca sĩ bị phát hiện hút bóng cười có thể được xem là hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân gây tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xem xét và yêu cầu dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,090 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào