Cá nhân muốn kinh doanh đồ uống online tại nhà có cần được cấp Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm không?
- Cá nhân kinh doanh đồ uống online tại nhà có được xem là cá nhân hoạt động thương mại không?
- Cá nhân muốn kinh doanh đồ uống online tại nhà có cần được cấp Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm không?
- Cá nhân kinh doanh đồ uống online tại nhà phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thế nào?
Cá nhân kinh doanh đồ uống online tại nhà có được xem là cá nhân hoạt động thương mại không?
Theo điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP giải thích về cá nhân hoạt động thương mại như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, một số từ ngữ được hiểu như sau:
1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Theo đó, hoạt động kinh doanh đồ uống online tại nhà của bạn có thể được coi là thực hiện hoạt động buôn bán vặt và thuộc một trong các trường hợp không phải tiến hành đăng ký kinh doanh.
Cá nhân muốn kinh doanh đồ uống online tại nhà có cần được cấp Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm không?
Theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này.
Dẫn chiếu theo điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định những cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:
- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ
- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định
- Sơ chế nhỏ lẻ
- Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ
- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn
- Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm
- Nhà hàng trong khách sạn
- Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm
- Kinh doanh thức ăn đường phố
- Cơ sở đã được cấp một trong các giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Tuy nhiên, những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy định nêu trên phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.
Đồng thời tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 15/2018/NĐ-CP giải thích cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ là cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về đăng ký hộ kinh doanh như sau:
Hộ kinh doanh
...
2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.
Như vậy, nếu bạn kinh doanh đồ uống online tại nhà thuộc trường hợp kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ nêu trên thì không phải thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và không cần xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Kinh doanh đồ uống online tại nhà (Hình từ Internet)
Cá nhân kinh doanh đồ uống online tại nhà phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thế nào?
Theo khoản 1 Công văn 3109/BCT-KHCN năm 2018 hướng dẫn về cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ như sau:
1. Cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ
Theo quy định tại Khoản 16 Điều 4 Luật Doanh nghiệp khái niệm “kinh doanh” được hiểu “là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Do đó, sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ là một công đoạn trong hoạt động kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.
Khoản 10 Điều 3, Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không thuộc diện cấp Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật an toàn thực phẩm.
Theo đó, cá nhân kinh doanh đồ uống online tại nhà phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật an toàn thực phẩm 2010, cụ thể:
Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm sau đây:
a) Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;
b) Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
c) Có trang thiết bị phù hợp để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không gây độc hại, gây ô nhiễm cho thực phẩm;
d) Sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm;
đ) Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
e) Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
h) Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.
...
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.