Cá nhân làm giả đồng phục công an nhân dân thì bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào? Thời hiệu xử phạt đối với hành vi này là bao lâu?
- Cá nhân làm giả đồng phục công an nhân dân thì bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân có hành vi làm giả đồng phục công an nhân dân không?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi làm giả đồng phục công an nhân dân là bao lâu?
Cá nhân làm giả đồng phục công an nhân dân thì bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
Hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân có hành vi làm giả đồng phục công an được quy định tại Điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán hoặc đổi trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này.
Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
1. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đối với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đối với cá nhân là 40.000.000 đồng, đối với tổ chức là 80.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội đối với cá nhân là 75.000.000 đồng, đối với tổ chức là 150.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, theo quy định, cá nhân có hành vi làm giả đồng phục công an nhân dân thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Bên cạnh đó còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, bao gồm:
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm;
- Trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm.
Ngoài ra, cá nhân còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Cá nhân làm giả đồng phục công an nhân dân thì bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào? (Hình từ Internet)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân có hành vi làm giả đồng phục công an nhân dân không?
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi làm giả đồng phục công an nhân dân được quy định tại khoản 3 Điều 68 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
...
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
Như vậy, theo quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân có hành vi làm giả đồng phục công an nhân dân.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi làm giả đồng phục công an nhân dân là bao lâu?
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình là 01 năm.
2. Thời điểm để tính thời hiệu phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
...
Như vậy, theo quy định, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi làm giả đồng phục công an nhân dân là 01 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.