Cá nhân khi cung cấp thông tin chưa đầy đủ thì có tiếp tục được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại không?
Nghĩa vụ cung cấp thông tin của cá nhân được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 75 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định về cung cấp, thu thập thông tin, tài liệu và bảo mật trong quá trình điều tra vụ việc phòng vệ thương mại như sau:
Cung cấp, thu thập thông tin, tài liệu và bảo mật trong quá trình điều tra vụ việc phòng vệ thương mại
1. Bên liên quan trong vụ việc điều tra có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của Cơ quan điều tra.
2. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra và những người có quyền tiếp cận thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc có trách nhiệm bảo mật thông tin, tài liệu theo yêu cầu của bên cung cấp thông tin, tài liệu.
3. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan điều tra có quyền tiến hành trưng cầu giám định hoặc kiểm tra, xác minh tính xác thực của thông tin, tài liệu do bên liên quan cung cấp hoặc thu thập thêm thông tin, tài liệu cần thiết để giải quyết vụ việc phòng vệ thương mại. Cơ quan điều tra có quyền tiến hành việc điều tra tại chỗ, bao gồm cả việc điều tra tại nước ngoài.
4. Trường hợp bên bị điều tra từ chối cho Cơ quan điều tra tiếp cận hoặc từ chối cung cấp thông tin, tài liệu có ảnh hưởng quan trọng đến việc điều tra, Cơ quan điều tra có quyền sử dụng thông tin, tài liệu do bên liên quan cung cấp, thông tin, tài liệu do Cơ quan điều tra tự thu thập hoặc thông tin, tài liệu sẵn có để đưa ra kết luận điều tra dựa trên những thông tin, tài liệu đó.
Theo quy định trên, cá nhân trong vụ việc điều tra có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của Cơ quan điều tra.
Trường hợp cá nhân bị điều tra từ chối cho Cơ quan điều tra tiếp cận hoặc từ chối cung cấp thông tin, tài liệu có ảnh hưởng quan trọng đến việc điều tra thì Cơ quan điều tra có quyền sử dụng thông tin, tài liệu do bên liên quan cung cấp, thông tin, tài liệu do Cơ quan điều tra tự thu thập hoặc thông tin, tài liệu sẵn có để đưa ra kết luận điều tra dựa trên những thông tin, tài liệu đó.
Biện pháp phòng vệ thương mại (Hình từ Internet)
Trách nhiệm bảo mật thông tin do cá nhân cung cấp của Cơ quan điều tra được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 11 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định về bảo mật thông tin như sau:
Bảo mật thông tin
1. Cơ quan điều tra có trách nhiệm công khai thông tin không bảo mật liên quan đến vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Việc công khai thông tin được thực hiện qua phương thức điện tử hoặc phương thức khác phù hợp với hạ tầng kỹ thuật của Cơ quan điều tra.
2. Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm bảo mật các thông tin do bên liên quan cung cấp gồm:
a) Bí mật quốc gia và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
b) Thông tin mà bên cung cấp cho là mật và được Cơ quan điều tra chấp nhận đề nghị bảo mật thông tin.
3. Các thông tin do bên liên quan cung cấp phải được lập thành 02 bản gồm bản thông tin bảo mật và bản thông tin công khai. Đối với các thông tin bảo mật, bên liên quan phải gửi kèm bản giải trình chi tiết về lý do đề nghị bảo mật và bản tóm tắt những nội dung của thông tin mật có thể công bố công khai cho các bên liên quan khác.
4. Trường hợp không chấp nhận đề nghị bảo mật của bên cung cấp thông tin hoặc bên cung cấp thông tin không cung cấp bản tóm tắt những nội dung của thông tin mật theo quy định tại khoản 3 Điều này, Cơ quan điều tra sẽ không sử dụng thông tin này.
5. Trước khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra, Cơ quan điều tra hạn chế công khai thông tin về vụ việc.
Theo quy định trên, Cơ quan điều tra có trách nhiệm công khai thông tin không bảo mật liên quan đến vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Tuy nhiên, Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm bảo mật các thông tin do bên liên quan cung cấp với những thông tin là bí mật quốc gia và bí mật khác theo quy định của pháp luật; và thông tin mà bên cung cấp cho là mật và được Cơ quan điều tra chấp nhận đề nghị bảo mật thông tin.
Cá nhân khi cung cấp thông tin chưa đầy đủ thì có tiếp tục được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại không?
Theo Điều 26 Thông tư 37/2019/TT-BCT quy định về thu hồi quyết định miễn trừ như sau:
Thu hồi quyết định miễn trừ
1. Bộ trưởng Bộ Công Thương thu hồi quyết định miễn trừ đã được ban hành trong các trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy định trong quyết định miễn trừ;
b) Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin không trung thực, không đầy đủ, không chính xác hoặc giả mạo các số liệu, hồ sơ, chứng từ liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của các sản phẩm được miễn trừ;
c) Không thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ theo Điều 20 Thông tư này.
2. Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan Hải quan xử lý tổ chức, cá nhân bị thu hồi quyết định miễn trừ, yêu cầu truy thu thuế, nộp thuế theo quy định pháp luật.
Như vậy, khi cá nhân khi cung cấp thông tin chưa đầy đủ thì Bộ trưởng Bộ Công Thương thu hồi quyết định miễn trừ đã được ban hành đối với cá nhân.
Điều này đồng nghĩa với việc cá nhân sẽ không được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Đồng thời Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan Hải quan xử lý cá nhân bị thu hồi quyết định miễn trừ, yêu cầu truy thu thuế, nộp thuế theo quy định pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.