Cá nhân, hộ kinh doanh trang trại nuôi gà có được miễn thuế không? Về thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng mà cá nhân, hộ kinh doanh phải nộp quy định như thế nào?

Cho anh xin những công văn được miễn giảm thuế được không? Anh làm trang trại nuôi gà tại khu vực nông thôn, được nhà nước cho thuê đất, đã có GCN đất làm trang trại. Anh có được miễn thuế môn bài và các loại thuế thu nhập cá nhân, GTGT hay không? Năm đầu tiên có được đương nhiên miễn lệ phí môn bài không? - Câu hỏi của anh Lâm đến từ Bình Thuận.

Cá nhân, hộ kinh doanh trang trại nuôi gà có được miễn thuế không?

Theo Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC được bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC); (khoản 1 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC) thì hàng hóa không chịu thuế GTGT bao gồm:

1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác.
Ví dụ 2: Công ty A ký hợp đồng nuôi heo với Công ty B theo hình thức Công ty B giao cho Công ty A con giống, thức ăn, thuốc thú y, Công ty A giao, bán cho Công ty B sản phẩm heo thì tiền công nuôi heo nhận từ Công ty B và sản phẩm heo Công ty A giao, bán cho Công ty B thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Sản phẩm heo Công ty B nhận lại từ Công ty A: nếu Công ty B bán ra heo (nguyên con) hoặc thịt heo tươi sống thì sản phẩm bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, nếu Công ty B đưa heo vào chế biến thành sản phẩm như xúc xích, thịt hun khói, giò hoặc thành các sản phẩm chế biến khác thì sản phẩm bán ra thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định.
2. Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, cành giống, củ giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại. Sản phẩm giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là sản phẩm do các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thương mại có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi, giống cây trồng do cơ quan quản lý nhà nước cấp. Đối với sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc loại Nhà nước ban hành tiêu chuẩn, chất lượng phải đáp ứng các điều kiện do nhà nước quy định
...

Theo đó, khi cá nhân, hộ kinh doanh bán gà giống, gà chưa qua chế biến thành sản phẩm khác, gà chỉ qua sơ chế thông thường (như thịt gà tươi,...) do cá nhân, hộ kinh doanh trực tiếp nuôi trồng bán ra thì không chịu thuế GTGT, chỉ chịu thuế TNCN là 0.5% trên doanh thu được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Cá nhân, hộ kinh doanh trang trại nuôi gà có được miễn thuế không?

Cá nhân, hộ kinh doanh trang trại nuôi gà có được miễn thuế không? (Hình từ Internet)

Cá nhân, hộ kinh doanh trang trại nuôi gà có được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu tiên không?

Căn cứ Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về người nộp lệ phí môn bài như sau:

Người nộp lệ phí môn bài
Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm:
1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.
...
7. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khi cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh thì sẽ nộp thuế môn bài.

Cá nhân, hộ gia đình sẽ được miễn lệ phí môn bài nếu thuộc trường hợp tại Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP bổ sung bởi điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP, cụ thể:

Miễn lệ phí môn bài
Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm:
1. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
2. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
4. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
5. Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
6. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp.
7. Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc
8. Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với:
a) Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
b) Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
...

Như vậy, khi anh thành lập trang trại nuôi gà dưới hình thức Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh thì sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu tiên.

Về thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng mà cá nhân, hộ kinh doanh phải nộp quy định như thế nào?

Căn cứ Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC thì số thuế phải nộp của cá nhân, hộ kinh doanh được xác định theo công thức sau:

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT

Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

Trong đó:

- Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này.

- Tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này.

Theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC thì:

- Hoạt động bán buôn, bán lẻ sẽ chịu thuế GTGT 1%, thuế TNCN 0,5%

- Hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa không chịu thuế GTGT theo Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC sẽ không chịu thuế GTGT, chỉ chịu thuế TNCN là 0.5%.

Như vậy, trường hợp của anh là hộ kinh doanh bán gà giống, gà chưa qua chế biến thành sản phẩm khác, gà chỉ qua sơ chế thông thường (như thịt gà tươi,...) do cá nhân, hộ kinh doanh trực tiếp nuôi trồng bán ra thì không chịu thuế GTGT, chỉ chịu thuế TNCN là 0.5% trên doanh thu được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC nêu trên.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Nguyễn Hoàng Tuấn Kiệt Lưu bài viết
20,714 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào