Cá nhân giả danh cảnh sát cơ động sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Cá nhân giả danh cảnh sát cơ động có thể bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi giả danh cảnh sát cơ động được quy định tại Điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán hoặc đổi trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.
..
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này.
Theo quy định trên thì cá nhân có hành vi giả danh cảnh sát cơ động thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất là 1.500.000 đồng.
Ngoài ra, cá nhân còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mua bán trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.
Cá nhân vi phạm sẽ bị tịch thu toàn bộ trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân mà mình làm giả và buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp mà mình thu được khi giả dạnh cảnh sát cơ động.
Đối với cá nhân là người nước ngoài thì ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, cá nhân sẽ bị trục xuất về nước.
Cá nhân giả danh cảnh sát cơ động sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? (Hình từ Internet)
Hành vi giả danh cảnh sát cơ động có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Tại Điều 339 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác như sau:
Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác
Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Theo đó, nếu cá nhân giả danh cảnh sát cơ động nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Tuy nhiên nếu việc giả danh cảnh sát cơ động nhằm chiếm đoạt tài sản thì cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Tùy vào giá trị số tài sản mà cá nhân chiếm đoạt được mà mức truy cứu sẽ khác nhau. Mức truy cứu trách nhiệm hình sự cao nhất đối với tội lựa đảo chiếm đoạt tài sản có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Cơ sở sản xuất, làm giả trái phép trang phục của cảnh sát cơ động có thể bị xử phạt như thế nào?
Tại Điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân
...
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này.
Bên cạnh đó tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cũng có quy định như sau:
Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo quy định vừa nêu thì cơ sở có hành vi sản xuất, làm giả trái phép trang phục của cảnh sát cơ động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Bên cạnh đó cơ sở sẽ bị tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm và nộp lại số tiền bất hợp pháp có được từ hành vi sai phạm của mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.