Cá nhân được cấp Phiếu lý lịch tư pháp số mấy? Cá nhân uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp không cần văn bản ủy quyền khi nào?
Cá nhân được cấp Phiếu lý lịch tư pháp số mấy?
Phiếu lý lịch tư pháp dành cho cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp 2009 như sau:
Phiếu lý lịch tư pháp
1. Phiếu lý lịch tư pháp gồm có:
a) Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 của Luật này;
b) Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
...
Đồng thời, căn cứ Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định:
Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp
1. Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.
2. Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
3. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Như vậy, theo quy định, đối với cá nhân là công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam thì được cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1.
Ngoài ra, Phiếu lý lịch tư pháp số 2 vẫn được cấp cho cá nhân nếu người đó có yêu cầu muốn biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
Cá nhân được cấp Phiếu lý lịch tư pháp số mấy? (Hình từ Internet)
Cá nhân uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp không cần văn bản ủy quyền khi nào?
Thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 được quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp 2009 như sau:
Thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1
...
3. Cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.
4. Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 3 Điều 7 của Luật này khi có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì gửi văn bản yêu cầu đến Sở Tư pháp nơi người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thường trú hoặc tạm trú; trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì gửi đến Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia. Văn bản yêu cầu phải ghi rõ địa chỉ cơ quan, tổ chức, mục đích sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp và thông tin về người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật này.
...
Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định:
Thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2
...
2. Thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 45 của Luật này; trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Như vậy, theo quy định, trường hợp cá nhân uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản.
Tuy nhiên, nếu người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.
Đối với trường hợp cá nhân xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân là bao lâu?
Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp được quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp 2009 như sau:
Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp
1. Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này thì thời hạn không quá 15 ngày.
2. Trường hợp khẩn cấp quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này thì thời hạn không quá 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.
Như vậy, theo quy định, thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân là không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ.
Lưu ý: Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp có thể kéo dài hơn nhưng không quá 15 ngày trong các trường hợp sau đây:
- Người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài,
- Người nước ngoài quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 Luật Lý lịch tư pháp 2009.
- Trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp 2009.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.