Bút lục là gì? Bút lục trong hồ sơ vụ án hình sự được đánh như thế nào? Luật sư và bị can: Ai được quyền sao chụp tài liệu hồ sơ vụ án hình sự?
Bút lục là gì? Bút lục trong hồ sơ vụ án hình sự được đánh như thế nào?
Hiện nay, không có quy phạm pháp luật nào quy định về khái niệm bút lục, theo đó, bút lục có thể hiểu là việc đánh số trang, số tờ của các tài liệu bằng mộc đỏ và đánh số thứ tự bắt đầu từ 01 cho đến hết. Bút lục sẽ do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đánh số thứ tự trong mỗi giai đoạn giải quyết vụ án.
* Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo
Tùy vào các giai đoạn khác nhau trong tố tụng hình sự mà việc đánh bút lục trong hồ sơ vụ án hình sự sẽ có sự khác nhau, cụ thể như sau:
* Giai đoạn điều tra và kết thúc điều tra (Điều 35 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP):
Trong giai đoạn điều tra và kết thúc điều tra thì bút lục được Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đánh như sau:
- Cơ quan điều tra: Trước khi chuyển cho Viện kiểm sát thì Điều tra viên phải thống kê đầy đủ tên biên bản, tài liệu, ghi số thứ tự trong bản thống kê biên bản, tài liệu và đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra (nhưng chưa đánh số bút lục) vào góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu;
- Viện kiểm sát: Kiểm sát viên đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát (không phải đánh số bút lục) vào góc dưới bên phải của từng trang biên bản, tài liệu do cơ quan điều tra chuyển qua và biên bản, tài liệu do Kiểm sát viên thu thập trong quá trình điều tra trước khi chuyển cho Cơ quan điều tra.
- Khi kết thúc điều tra, các biên bản, tài liệu trong quá trình khởi tố, điều tra do Điều tra viên, Kiểm sát viên thu thập đều phải đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng trình tự tố tụng.
Điều tra viên đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra ở góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đánh số bút lục một lần và lập bảng thống kê đầy đủ các biên bản, tài liệu theo thứ tự từ 01 cho đến hết.
Quá trình đóng dấu và đánh số bút lục, nếu có sự nhầm lẫn hoặc tẩy xóa bút lục thì Điều tra viên phải tổng hợp, ký xác nhận vào bảng thống kê biên bản, tài liệu và có báo cáo giải trình về lý do việc nhầm lẫn, tẩy xóa bút lục; báo cáo giải trình của Điều tra viên được đưa vào hồ sơ vụ án.
* Giai đoạn truy tố (Điều 35 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP):
Trong giai đoạn truy tố, biên bản, tài liệu do Kiểm sát viên thu thập phải được đưa vào hồ sơ vụ án, đóng dấu bút lục ở góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu và đánh số thứ tự tiếp theo số bút lục trong hồ sơ vụ án do Điều tra viên chuyển đến; không được thay đổi thứ tự bút lục trong hồ sơ vụ án.
Quá trình đóng dấu và đánh số bút lục, nếu có sự nhầm lẫn hoặc tẩy xóa bút lục thì Kiểm sát viên phải tổng hợp, ký xác nhận vào bảng thống kê biên bản, tài liệu và có báo cáo giải trình về lý do việc nhầm lẫn, tẩy xóa bút lục; báo cáo giải trình của Kiểm sát viên được đưa vào hồ sơ vụ án.
* Giai đoạn xét xử và sau khi xét xử (Điều 8 Quy chế về chế độ quản lý hồ sơ vụ án và công tác lưu trữ trong hệ thống Tòa án nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 193/QĐ-TANDTC năm 2022):
Tòa án đóng dấu bút lục của Tòa án và ghi số bút lục tiếp theo số thứ tự của Viện kiểm sát đối với những tài liệu tố tụng do Tòa án ban hành và tài liệu vụ án do Tòa án thu thập, tiếp nhận trong giai đoạn xét xử và sau khi xét xử
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giải quyết xong vụ án hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, cá nhân được giao quản lý hồ sơ, nghiên cứu, giải quyết vụ án phải kiểm tra, sắp xếp toàn bộ tài liệu trong hồ sơ vụ án, đánh số bút lục và lập bản kê đối với những tài liệu phát sinh; làm thủ tục bàn giao hồ sơ vụ án cho đơn vị, bộ phận quản lý hồ sơ hoặc lưu trữ cơ quan theo đúng quy định.
Bút lục là gì? Bút lục trong hồ sơ vụ án hình sự được đánh như thế nào? (Hình từ Internet)
Luật sư và bị can: Ai được quyền đọc, ghi chép và sao chụp tài liệu hồ sơ vụ án hình sự?
(1) Đối với luật sư:
Theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa
1. Người bào chữa có quyền:
...
l) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;
...
Bên cạnh đó, tại điểm d khoản 3 Điều 84 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định như sau:
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự
...
3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có quyền:
...
d) Có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà mình bảo vệ; đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của bị hại và đương sự sau khi kết thúc điều tra;
...
Như vậy, theo quy định trên thì luật sư có quyền được đọc, ghi chép và sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự liên quan đến việc bào chữa hoặc việc bảo vệ quyền lợi của bị hại và đương sự.
(2) Đối với bị can:
Căn cứ vào điểm i khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
Bị can
...
2. Bị can có quyền:
...
i) Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu;
...
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP quy định:
Nguyên tắc áp dụng
...
3. Bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội được quyền đọc, ghi chép tài liệu từ sau khi kết thúc Điều tra, trong giai đoạn truy tố đến trước khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
...
Như vậy, có thể thấy, bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu; trong giai đoạn truy tố đến trước khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Nguyên tắc quản lý hồ sơ vụ án hình sự trong Tòa án nhân dân là gì?
Nguyên tắc quản lý hồ sơ vụ án hình sự trong Tòa án nhân dân phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 4 Quy chế về chế độ quản lý hồ sơ vụ án và công tác lưu trữ trong hệ thống Tòa án nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 193/QĐ-TANDTC năm 2022 như sau:
(1) Việc quản lý hồ sơ vụ án trong hệ thống Tòa án nhân dân phải bảo đảm an toàn, nguyên vẹn và các nguyên tắc chung của hồ sơ nghiệp vụ; bảo đảm bí mật theo quy định của pháp luật và của Tòa án nhân dân tối cao.
(2) Việc quản lý hồ sơ vụ án được thực hiện tập trung, thống nhất, khoa học, đầy đủ, chặt chẽ, kịp thời, không để bị hư hỏng, thất lạc.
(3) Việc quản lý hồ sơ vụ án được thực hiện liên tục từ khi đơn vị, cá nhân lập hồ sơ, nhận bàn giao hồ sơ cho đến khi chuyển giao hồ sơ cho đơn vị, cá nhân khác giải quyết hoặc nộp vào Lưu trữ cơ quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.