Bụi mịn là gì? Bụi mịn gây ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe? Ai có trách nhiệm quản lý chất lượng môi trường không khí?
Bụi mịn là gì? Bụi mịn gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người?
Theo Cục Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ, bụi mịn hay bụi mịn PM (Particulate Matter) là các phân tử vô cơ hoặc hữu cơ bay lơ lửng trong không khí, chủ yếu từ khói xe cộ và quá trình đốt nhiên liệu công nghiệp.
Bụi siêu mịn PM 1.0 có kích thước nhỏ hơn 1 micromet, dễ dàng xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và gây tổn hại cho sức khỏe. Những hạt bụi siêu mịn này có thể ảnh hưởng đến DNA, gây viêm nhiễm, bệnh hô hấp, tim mạch, thậm chí ung thư.
Khi xâm nhập vào cơ thể, bụi mịn có thể làm cản trở quá trình trao đổi oxy trong phổi, gây khó thở, ho, và các bệnh như COPD. Bụi mịn cũng có thể tác động lên hệ tim mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và ảnh hưởng đến thần kinh. Ngoài ra, bụi còn chứa các chất độc hại, như kim loại nặng và hợp chất hữu cơ, gây nhiễm độc cho cơ thể và làm suy yếu hệ miễn dịch.
Bụi mịn cũng gây ra các vấn đề về tâm lý, như lo âu, trầm cảm và giảm trí nhớ. Dài lâu, nó còn có thể thúc đẩy các bệnh chuyển hóa và ảnh hưởng đến chức năng gan.
Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Bụi mịn là gì? Bụi mịn gây ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe? Ai có trách nhiệm quản lý chất lượng môi trường không khí? (hình từ Internet)
Cần làm gì để bảo về sức khỏe trước bụi mịn? Ai có trách nhiệm quản lý chất lượng môi trường không khí?
Để bảo vệ sức khỏe, mọi người nên đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh những khu vực ô nhiễm như công trường, khu công nghiệp. Rửa tay thường xuyên, uống đủ nước và sử dụng dung dịch nước muối để làm sạch mũi.
Cần sống ở nơi có không khí trong lành, nhiều cây xanh và bảo vệ bản thân khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Những người làm việc trong môi trường độc hại cần tuân thủ quy chuẩn bảo hộ lao động. Hơn nữa, việc tập thể dục, ăn uống lành mạnh và xây dựng thói quen sống khoa học là những yếu tố quan trọng để tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 14 Luật Bảo vệ mội trường 2020 quy định về trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng môi trường không khí như sau:
- Thủ tướng Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí; chỉ đạo thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng và xuyên biên giới.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:
+ Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và tổ chức thực hiện;
+ Hướng dẫn xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, phương pháp đánh giá chất lượng môi trường không khí.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
+ Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh;
+ Đánh giá, theo dõi và công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí; cảnh báo cho cộng đồng dân cư và triển khai biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm gây tác động đến sức khỏe cộng đồng;
+ Tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí phải được thông báo và cảnh báo kịp thời đúng không?
Căn cứ tại Điều 12 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về bảo vệ môi trường không khí như sau:
Quy định chung về bảo vệ môi trường không khí
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát thải bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố theo quy định của pháp luật.
3. Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí phải được thông báo và cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng.
4. Các nguồn phát thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật.
Như vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí phải được thông báo và cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng.
Lưu ý: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát thải bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Mức phạt khi kinh doanh thực phẩm bị hỏng, mốc, bụi bẩn hoặc tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.