Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam có phải là thành viên Chính phủ không? Bộ trưởng có được ban hành thông tư không?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam có phải là thành viên Chính phủ không?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam có phải là thành viên Chính phủ không, thì theo quy định tại Điều 32 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 như sau:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Và tại khoản Điều 1 Nghị định 63/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vị trí và chức năng
Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới đơn vị hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tín ngưỡng, tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo các quy định trên thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu Bộ Nội vụ;
Bộ trưởng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực:
- Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước;
- Chính quyền địa phương, địa giới đơn vị hành chính;
- Cán bộ, công chức, viên chức và công vụ;
- Hội, tổ chức phi chính phủ;
- Thi đua, khen thưởng;
- Tín ngưỡng, tôn giáo;
- Văn thư, lưu trữ nhà nước;
- Thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của bộ theo quy định của pháp luật;
Đồng thời, tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam có phải là thành viên Chính phủ không? (Hình từ Internet)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam có được ban hành thông tư không?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam có được ban hành thông tư không, thì theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, được sửa đổi bổ sung bởi điểm b khoản 1 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020 như sau:
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
…
8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
8a. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
…
Theo quy định trên thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam được ban hành thông tư.
Khi vắng mặt Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam, việc giải quyết công việc của Bộ trưởng được quy định như thế nào?
Phạm vi giải quyết công việc của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam được quy định tại khoản 2 Điều 3 Quy chế làm việc của Bộ Nội vụ ban hành kèm theo Quyết định 1079/QĐ-BNV năm 2012 như sau:
Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Bộ trưởng
…
2. Phạm vi giải quyết công việc của Bộ trưởng:
a) Những công việc thuộc thẩm quyền được quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Quy chế làm việc của Chính phủ, các văn bản pháp luật khác và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao;
b) Giải quyết theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với những đề nghị của Bộ, ngành, địa phương liên quan đến những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền quản lý nhà nước của mình, kể cả các vấn đề còn có ý kiến khác nhau;
c) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
d) Tham gia ý kiến với các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của cơ quan đó, nhưng có liên quan đến chức năng, ngành, lĩnh vực mình quản lý;
đ) Trực tiếp giải quyết một số việc đã giao cho Thứ trưởng, nhưng do thấy cần thiết vì nội dung vấn đề cấp bách, quan trọng hay do Thứ trưởng đi công tác vắng, những việc liên quan đến từ hai Thứ trưởng trở lên nhưng các Thứ trưởng có ý kiến khác nhau;
e) Khi vắng mặt và nếu thấy cần thiết, Bộ trưởng ủy nhiệm một Thứ trưởng lãnh đạo công tác, giải quyết công việc của Bộ theo đúng quy định tại Điều 29 Luật Tổ chức Chính phủ.
…
Theo đó, khi vắng mặt và nếu thấy cần thiết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ủy nhiệm một Thứ trưởng lãnh đạo công tác, giải quyết công việc của Bộ theo đúng quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.