Bộ phận một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính là gì? Tổ chức Bộ phận Một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính như thế nào?
Bộ phận một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính là gì?
Bộ phận một cửa được giải thích tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 61/2018/NĐ-CP như sau:
Bộ phận Một cửa là tên gọi chung của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết hoặc chuyển hồ sơ giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.
Bộ phận một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính là gì? Tổ chức Bộ phận Một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính như thế nào? (Hình từ Internet)
Tổ chức Bộ phận Một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính như thế nào?
Tổ chức Bộ phận Một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính được quy định tại Điều 7 Nghị định 61/2018/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi điểm a, điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị định 107/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
(1) Tại cấp bộ
- Căn cứ số lượng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, tần suất tiếp nhận hồ sơ và tình hình bố trí trụ sở, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại bộ, cơ quan ngang bộ trực thuộc văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ hoặc tại tổng cục (hoặc tương đương), cục hoặc tại cơ quan, đơn vị khác trực thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ;
Trường hợp không thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại bộ, cơ quan ngang bộ thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định việc thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại tổng cục hoặc tương đương và cục;
- Căn cứ các nguyên tắc tại Điều 4 và các quy định khác tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông phù hợp với điều kiện công tác của từng bộ;
- Căn cứ Nghị định 61/2018/NĐ-CP, các quy định khác của pháp luật, Điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia và điều kiện, hoàn cảnh của từng nước, từng địa bàn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông để giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện của Việt Nam tại tổ chức quốc tế ở nước ngoài.
(2) Tại cấp tỉnh
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công là đơn vị hành chính đặc thù thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có con dấu để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
+ Cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, máy móc, kỹ thuật của Trung tâm Phục vụ hành chính công do Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bảo đảm và quản lý.
+ Căn cứ tần suất tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, tình hình bố trí trụ sở của các cơ quan chuyên môn và điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định số lượng Trung tâm Phục vụ hành chính công của thành phố;
- Trường hợp cấp tỉnh chưa đủ điều kiện tổ chức Trung tâm Phục vụ hành chính công, tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan chuyên môn quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc văn phòng cơ quan chuyên môn đó.
Cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, máy móc, kỹ thuật của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh do cơ quan đó bảo đảm.
(3) Tại cấp huyện
Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện bảo đảm và quản lý trụ sở, trang thiết bị, máy móc, phần mềm ứng dụng, hệ thống mạng.
(4) Tại cấp xã
Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã.
(5) Người đứng đầu cơ quan của trung ương được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương quyết định tổ chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại Văn phòng hoặc một đơn vị, tổ chức chuyên môn thuộc cơ quan này (trong trường hợp đơn vị tổ chức này không có văn phòng), đồng thời chỉ đạo việc bố trí cán bộ, công chức, viên chức đến Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đối với những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quy định tại các Khoản 2 và 3 Điều 14 Nghị định 61/2018/NĐ-CP.
(6) Tại bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại các đơn vị, cơ quan chuyên môn, Văn phòng bộ, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao nhiệm vụ tổng hợp theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các đơn vị, cơ quan này thông qua Hệ thống Thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
(7) Căn cứ tình hình thực tế và năng lực của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (đối với trường hợp cơ quan này thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 61/2018/NĐ-CP), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một hoặc một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định pháp luật về đấu thầu.
Người đứng đầu Bộ phận Một cửa có trực tiếp điều hành hoạt động của Bộ phận Một cửa không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 61/2018/NĐ-CP thì người đứng đầu Bộ phận Một cửa có trách nhiệm trực tiếp điều hành và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền về toàn bộ hoạt động của Bộ phận Một cửa.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.