Biên tập viên là gì? Biên tập viên trong lĩnh vực xuất bản có cần phải hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản không?
Biên tập viên là gì?
Biên tập viên là người chịu trách nhiệm rà soát, kiểm duyệt tính đúng đắn của nội dung và cách trình bày, đảm bảo nội dung xuất bản được chỉn chu. Đây là một chức danh dùng chung cho các biên tập viên truyền hình, radio, sách, phim,...
Tại các nhà đài, tòa soạn, hãng phim, nhà xuất bản sách, công ty truyền thông,... đều có vị trí biên tập viên. Vị trí này yêu cầu kỹ năng viết lách tốt, sự tỉ mỉ và có chuyên môn trong lĩnh vực đang công tác để đảm bảo chất lượng của nội dung.
Bên cạnh đó, theo khoản 6 Điều 4 Luật Xuất bản 2012 có giải thích: Biên tập trong lĩnh vực xuất bản là việc rà soát, hoàn thiện nội dung và hình thức bản thảo để xuất bản.
Ngoài ra, có nhiều công việc của biên tập viên trong các lĩnh vực như:
Lĩnh vực Báo chí; Lĩnh vực Xuất Bản; Lĩnh vực Truyền hình; Lĩnh vực Website; Lĩnh vực Phát thanh..
Biên tập viên là gì? (Hình từ Internet)
Biên tập viên trong lĩnh vực xuất bản có cần phải hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản không?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 19 Luật Xuất bản 2012 quy định về tiêu chuẩn của biên tập viên như sau:
Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của biên tập viên
1. Tiêu chuẩn của biên tập viên:
a) Là công dân Việt Nam; thường trú tại Việt Nam; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
b) Có trình độ đại học trở lên;
c) Hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
d) Có chứng chỉ hành nghề biên tập do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
...
Theo đó, biên tập viên trong lĩnh vực xuất bản cần phải có các tiêu chuẩn nêu trên, trong đó thì yêu cầu bắt buộc đối với biên tập viên là phải hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản.
Biên tập viên trong lĩnh vực xuất bản có nhiệm vụ, quyền hạn gì?
Nhiệm vụ và quyền hạn của biên tập viên trong lĩnh vực xuất bản theo khoản 2 Điều 19 Luật Xuất bản 2012 quy định như sau:
Biên tập viên có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Thực hiện biên tập bản thảo;
- Được từ chối biên tập bản thảo tác phẩm, tài liệu mà nội dung có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Xuất bản 2012 cụ thể:
Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản
1. Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung sau đây:
a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;
c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;
đ) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Và phải báo cáo với tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản bằng văn bản;
- Đứng tên trên xuất bản phẩm do mình biên tập;
- Tham gia các lớp tập huấn định kỳ kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tổ chức;
- Không được để lộ, lọt nội dung tác phẩm, tài liệu xuất bản trước khi phát hành làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;
- Chịu trách nhiệm trước tổng biên tập nhà xuất bản và trước pháp luật về phần nội dung xuất bản phẩm do mình biên tập.
Biên tập viên có chứng chỉ hành nghề biên tập bị thu hồi có được xem xét cấp lại không?
Xem xét cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập bị thu hồi của biên tập viên theo khoản 4 Điều 20 Luật Xuất bản 2012 như sau:
Cấp, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập
...
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp chứng chỉ hành nghề biên tập; trường hợp không cấp chứng chỉ phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
3. Chứng chỉ hành nghề biên tập bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Biên tập viên có xuất bản phẩm do mình biên tập bị cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy;
b) Biên tập viên trong 01 năm có hai xuất bản phẩm hoặc trong 02 năm liên tục có xuất bản phẩm do mình biên tập sai phạm về nội dung mà bị buộc phải sửa chữa mới được phát hành;
c) Biên tập viên bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án.
4. Biên tập viên có chứng chỉ hành nghề biên tập bị thu hồi thì sau 02 năm mới được xét cấp lại, trừ trường hợp biên tập viên bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án về các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
5. Chứng chỉ hành nghề biên tập được cấp lại trong trường hợp bị mất hoặc bị hư hỏng.
Theo đó, biên tập viên có chứng chỉ hành nghề biên tập bị thu hồi thì sau 02 năm mới được xét cấp lại,
Trừ trường hợp biên tập viên bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án về các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
>> Tải Mẫu đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập mới nhất tại đây. <<
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.