Biện pháp xử lý hành chính là gì? Không tái phạm trong bao lâu thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính?
Biện pháp xử lý hành chính là gì?
Biện pháp xử lý hành chính được quy định tại Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
3. Biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
...
Như vậy, biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm.
Biện pháp xử lý hành chính bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Biện pháp xử lý hành chính là gì? Không tái phạm trong bao lâu thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính? (hình từ internet)
Không tái phạm trong bao lâu thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính?
Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính
1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Như vậy, cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Lưu ý: Thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được quy định tại Điều 105 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
- Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
04 nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý hành chính?
Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 bao gồm 04 nguyên tắc sau đây:
- Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012;
- Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012;
- Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
- Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.