Bị lừa ký tên vào giấy trắng có thể gặp các rủi ro gì? Hợp đồng trong trường hợp bị lừa ký tên có hiệu lực không?

Khi bị lừa ký tên vào giấy trắng, nhiều người rất lo lắng, sợ hãi bởi không biết sau đó tờ giấy này sẽ bị điền nội dung gì. Vậy cho tôi hỏi trường hợp này có thể gặp các rủi ro gì và hợp đồng trong trường hợp này có hiệu lực pháp luật hay không? - Chị Thành đến từ Quy nhơn.

Bị lừa ký tên vào giấy trắng mang đến rủi ro rất lớn?

Căn cứ Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng được định nghĩa như sau:

Khái niệm hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Theo đó, khi hai bên đạt được thỏa thuận, nếu thống nhất thể hiện thỏa thuận thông qua hình thức bằng văn bản thì hợp đồng này phải bao gồm các nội dung do các bên thỏa thuận.

Đồng thời, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được nêu tại Điều 401 Bộ luật Dân sự 2015 là từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Luật liên quan có quy định khác.

Trong đó, thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hoặc bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản (theo quy định tại khoản 4 Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015).

Như vậy, việc ký tên trong văn bản, hợp đồng là một trong những điều kiện để hợp đồng có hiệu lực. Do đó, nếu không có thỏa thuận khác, không có quy định khác của Luật liên quan thì hợp đồng bằng văn bản sẽ có hiệu lực khi bên cuối cùng ký tên vào hợp đồng.

Đồng nghĩa, khi hợp đồng đã được các bên hoàn tất việc ký kết thì sẽ chính thức có hiệu lực nếu không có thỏa thuận khác, các bên cũng đồng thời phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo nội dung ghi trong hợp đồng.

Như vậy có thể thấy việc bị lừa ký tên vào giấy trắng mang đến rủi ro vô rất lớn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người ký.

Bị lừa ký tên vào giấy trắng có thể gặp các rủi ro gì? Hợp đồng trong trường hợp bị lừa ký tên có hiệu lực không?

Bị lừa ký tên vào giấy trắng có thể gặp các rủi ro gì? Hợp đồng trong trường hợp bị lừa ký tên có hiệu lực không? (Hình từ Internet)

Hợp đồng trong trường hợp bị lừa ký tên vào giấy trắng có hiệu lực không?

Dựa vào phân tích như trên, việc lừa người khác ký tên vào giấy trắng là hành vi lừa dối khi giao kết giao dịch dân sự.

Do đó, giao dịch dân sự của người bị lừa ký tên vào giấy trắng sẽ trở thành giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015, có nội dung cụ thể như sau:

Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
...
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

Như vậy, trong trường hợp bị lừa ký tên vào giấy trắng mà không biết nội dung văn bản là gì thì người bị lừa ký tên có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự này vô hiệu.

Hậu quả pháp lý của hợp đồng bị vô hiệu do bị lừa ký tên vào giấy trắng là gì?

Căn cứ quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Tuy nhiên, để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, người bị lừa dối phải cung cấp bằng chứng chứng minh mình bị lừa dối trong quá trình ký kết giao dịch.

Về thời hiệu để tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu
1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày:
a) Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;
b) Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;
c) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;
d) Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;
đ) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.
2. Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.
3. Đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế

Theo đó thì nếu hết thời hạn 02 năm kể từ khi người bị lừa ký tên vào giấy trắng biết giao dịch được xác lập do bị lừa dối mà chưa được Tòa án tuyên là giao dịch vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.

Tức khi đó người bị lừa ký tên vào giấy trắng sẽ phải thực hiện theo hợp đồng đã được ký kết.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

2,952 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào