Bị can có được đề nghị định giá lại tài sản hay không? Nếu kết luận định giá tài sản lại khác với kết luận định giá ban đầu thì xử lý như thế nào?
- Bị can có được đề nghị định giá lại tài sản hay không? Nếu kết luận định giá lại khác với kết luận định giá ban đầu thì xử lý như thế nào?
- Điều kiện để định giá lại tài sản lần thứ hai? Việc định giá lại tài sản lần thứ hai sẽ do cơ quan nào thực hiện?
- Căn cứ để thực hiện định giá tài sản trong vụ án hình sự?
Bị can có được đề nghị định giá lại tài sản hay không? Nếu kết luận định giá lại khác với kết luận định giá ban đầu thì xử lý như thế nào?
Căn cứ theo Điều 218 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc định giá lại tài sản như sau:
Định giá lại tài sản
1. Trường hợp có nghi ngờ kết luận định giá lần đầu, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tự mình hoặc theo đề nghị của người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản. Việc định giá lại tài sản do Hội đồng định giá tài sản cấp trên trực tiếp thực hiện.
2. Trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá lại lần thứ hai. Việc định giá lại lần thứ hai do Hội đồng định giá tài sản có thẩm quyền thực hiện. Kết luận định giá lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu có nghi ngờ về kết luận định giá tài sản lần đầu thì người bị buộc tội (trong đó có bị can) có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản.
Trường hợp nếu như sau khi định giá lại mà giá của tài sản khác với giá trong kết luận định giá ban đầu thì sẽ tiến hành định giá lại lần thứ hai khi đáp ứng các điều kiện quy định.
Định giá lại tài sản (Hình từ Internet)
Điều kiện để định giá lại tài sản lần thứ hai? Việc định giá lại tài sản lần thứ hai sẽ do cơ quan nào thực hiện?
Căn cứ theo khoản 2 và khoản 4 Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 97/2019/NĐ-CP) quy định về việc định giá lại tài sản, theo đó:
(1) Điều kiện định giá lại tài sản lần thứ hai:
Việc định giá lại lần thứ hai trong trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá tài sản lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá được thực hiện khi đồng thời thỏa mãn đủ các điều kiện sau:
- Kết luận định giá lại khác với kết luận định giá lần đầu khi việc định giá lần đầu và định giá lại đều tuân thủ đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá quy định tại Nghị định này; áp dụng đúng thông tin, đặc điểm của tài sản cần định giá và nội dung yêu cầu định giá;
- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp tục có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận định giá lại.
(2) Cơ quan thực hiện định giá lại tài sản lần thứ hai:
Việc định giá lại lần thứ hai sẽ do Hội đồng định giá cùng cấp với Hội đồng định giá được thành lập để định giá lại quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện:
- Hội đồng định giá cấp tỉnh định giá lại lần thứ hai trong trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu của Hội đồng định giá cấp huyện và kết luận định giá lại của Hội đồng định giá cấp tỉnh.
- Hội đồng định giá cấp bộ định giá lại lần thứ hai trong trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu của Hội đồng định giá cấp tỉnh và kết luận định giá lại của Hội đồng định giá cấp bộ.
Căn cứ để thực hiện định giá tài sản trong vụ án hình sự?
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 15 Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định về những căn cứ định giá tài sản trong vụ án hình sự cụ thể như sau:
Căn cứ định giá tài sản
1. Việc định giá tài sản không phải là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ sau:
a) Giá thị trường của tài sản;
b) Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định;
c) Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;
d) Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có);
đ) Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.
2. Việc định giá tài sản là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau:
a) Giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác;
b) Giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm (nếu có);
c) Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;
d) Giá thị trường trong khu vực hoặc thế giới của hàng cấm do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông báo hoặc cung cấp thông tin;
đ) Giá niêm yết, giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại Việt Nam;
e) Giá thị trường trong khu vực và thế giới của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại các thị trường này;
g) Các căn cứ khác giúp xác định giá trị của tài sản cần định giá do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tin cậy của các căn cứ này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.