Bệnh hột xoài là gì? Những loại thuốc được dùng để điều trị bệnh hột xoài theo quy định hiện nay là gì?

Bệnh hột xoài là gì? Triệu chứng của bệnh hột xoài bao gồm những biểu hiện nào theo Quyết định 4568/QĐ-BYT 2013? Những loại thuốc được dùng để điều trị bệnh hột xoài theo quy định mới nhất hiện nay là gì?

Bệnh hột xoài là gì?

Căn cứ tại Mục 1 Bệnh hột xoài theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục ban hành kèm theo Quyết định 4568/QĐ-BYT năm 2013 quy định:

- Bệnh hột xoài hay u hạt Lympho sinh dục (Lymphogranuloma venereum - LGV) là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Chlamydia trachomatis (CT) gây nên. Bệnh có thể biểu hiện cấp tính và mạn tính. Nếu không điều trị hoặc điều trị không đầy đủ thì bệnh có thể gây nhiều biến chứng như dò vùng sinh dục, xơ hóa chít hẹp sinh dục - hậu môn và tạo các lỗ dò bạch huyết, phù bạch mạch. Các biến chứng và di chứng đó của bệnh có thể phải can thiệp ngoại khoa.

- Hiện nay LGV còn là bệnh dịch lưu hành ở Châu Phi, Ấn Độ, Nam Á, Nam Mỹ và vùng Caribe. Tỷ lệ nam/nữ là 5/1.

Hiện nay ở Việt Nam bệnh ít gặp, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam.

Bên cạnh đó, tác nhân gây bệnh là Chlamydia trachomatis type L1, L2, L3. Chlamydia xâm nhập vào da-niêm mạc qua các vết sang chấn nhỏ. Bệnh diễn biến vài tuần đến vài tháng, khi khỏi để lại tổ chức xơ hóa, phá hủy tổ chức bạch mạch và làm tắc mạch bạch huyết gây phù voi. Tổ chức bị phù, xơ cứng thành mảng lớn. Sau khi nhiễm trùng, kháng thể kháng Chlamydia có thể phát hiện được sau 1-2 tuần, tét Frei và kháng thể huyết thanh đặc hiệu LGV - Chlamydia dương tính. Nếu không điều trị, LGV- Chlamydia có thể tồn tại trong tổ chức 10-20 năm và có thể gây nhiễm trùng lan rộng.

Bệnh hột xoài là gì? Những loại thuốc được dùng để điều trị bệnh hột xoài theo quy định hiện nay là gì?

Bệnh hột xoài là gì? Những loại thuốc được dùng để điều trị bệnh hột xoài theo quy định hiện nay là gì? (Hình từ Internet)

Triệu chứng của bệnh hột xoài là gì?

Căn cứ tại Mục 3 Bệnh hột xoài theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục ban hành kèm theo Quyết định 4568/QĐ-BYT năm 2013 nêu rõ triệu chứng của bệnh hột xoài như sau:

Thời gian ủ bệnh không rõ ràng: 1 tuần đến 2-3 tháng.

*Giai đoạn tiên phát

- Thương tổn tiên phát có thể có các hình thái: sẩn, loét nông hoặc chợt, thương tổn dạng herpes hoặc viêm niệu đạo không đặc hiệu. Thương tổn không có triệu chứng hoặc kín đáo, vì vậy bệnh nhân không nhận biết bị bệnh, sau đó khỏi nhanh không để lại sẹo. Nam hay bị ở rãnh quy đầu, dây hãm, dương vật hoặc hạ nang. Nữ hay bị ở môi lớn, môi nhỏ, chạc âm hộ, tiền đình âm đạo. Nếu thương tổn loét hay chợt ở trong niệu đạo thì gây triệu chứng viêm niệu đạo không đặc hiệu, tiết mủ nhày. Ở những người đồng tính quan hệ tình dục đường hậu môn, viêm ruột kết hoặc viêm trực tràng ruột kết là biểu hiện thường gặp trong giai đoạn này.

- Nam có thể bị viêm bạch mạch thành dải giống như dây thừng ở thân dương vật và lan rộng hơn gây viêm mạch bạch huyết tạo thành hột xoài. Hột xoài có thể vỡ tạo nên các đường ngầm và lỗ rò niệu đạo gây xơ hóa, sẹo biến dạng dương vật. Viêm bạch mạch thường gặp, kèm theo phù nề tại chỗ và vùng lân cận, nam gây giả phimosis, nữ bị phù nề sinh dục. Nếu thương tổn ở miệng, họng thì gây viêm bạch mạch hàm dưới hoặc hạch bạch huyết cổ.

*Giai đoạn thứ phát (Hội chứng bẹn: inguinal syndrome)

- Nam giới biểu hiện sưng phù nề hạch bẹn thường gặp nhất của giai đoạn này và là lý do đưa họ đi khám bệnh. Thời gian xuất hiện triệu chứng này từ 10 - 30 ngày nhưng cũng có khi tới 4 - 6 tháng sau khi nhiễm trùng.

- Sưng hạch bẹn một bên gặp ở 2/3 trường hợp. Khởi đầu là đám cứng, đau nhẹ rồi to dần lên trong 1-2 tuần lễ. Triệu chứng toàn thân sốt cao trong giai đoạn này có thể do Chlamydia lan tỏa khắp cơ thể mặc dù không có triệu chứng sưng hạch hay viêm tại chỗ. Các triệu chứng khác do vi khuẩn lan tỏa trong cơ thể: viêm gan, viêm phổi và có thể viêm khớp. Cũng thường gặp tăng bạch cầu, rối loạn chức năng gan, tốc độ lắng máu tăng.

- Sau 1 - 2 tuần, hạch sưng to nhanh, đau vùng bẹn, da trên bề mặt đỏ, hạch dính với tổ chức trở nên mềm lùng nhùng, khi da chuyển màu xám thì hạch sắp vỡ và có hình ảnh “quả bóng xanh”. Thường kèm theo sốt, mất ngủ, mệt mỏi và đau. Khi hạch vỡ, hình thành nhiều lỗ dò như gương sen, các đường hầm thông với nhau, mủ đặc sánh màu vàng xanh. Quá trình lành sẹo muộn, sẹo co rúm ở vùng bẹn và là biểu hiện cuối cùng của bệnh ở đa số bệnh nhân nam giới mà không để lại di chứng. Khoảng 20% bị tái phát sưng hạch ở những người không điều trị.

- Có khoảng 1/3 số trường hợp hạch mềm lùng nhùng và vỡ mủ, các trường hợp còn lại tiến triển chậm và hình thành một đám cứng ở vùng bẹn mà không vỡ mủ. Khoảng 20% trường hợp hạch vùng đùi cũng sưng to và được ngăn cách với hạch bẹn bởi dây chằng Poupart tạo nên dấu hiệu rãnh bẹn được coi là dấu hiệu đặc trưng của bệnh hột xoài. Ở phụ nữ, khoảng 20 - 30% có hội chứng bẹn. Hạch hố chậu và hạch thắt lưng viêm có thể gây nên đau bụng, đau lưng, nhất là khi nằm ngửa làm chẩn đoán nhầm với viêm ruột thừa hay áp xe vòi trứng - buồng trứng. Hậu quả để lại có thể gây dính các tổ chức, cơ quan trong hố chậu.

*Hội chứng hậu môn - trực tràng - sinh dục

- Hội chứng có biểu hiện viêm trực tràng ruột kết bán cấp, quá sản tổ chức bạch huyết quanh trực tràng và ruột. Biểu hiện muộn hoặc mạn tính là áp xe quanh trực tràng, gây các lỗ dò trực tràng - âm đạo và trực tràng ụ ngồi, dò hậu môn và gây chít hẹp trực tràng (Hội chứng Jersild).

- Quá sản phì đại tổ chức bạch huyết còn gây trĩ bạch huyết và sùi giống hạt cơm quanh hậu môn. Bệnh hay gặp ở nữ, ban đầu viêm bạch mạch, tiến triển mạn tính gây phù, xơ hóa tổ chức tạo nên đám thương tổn cứng, phì đại, đau gây biến dạng vùng sinh dục - hậu môn.

Những loại thuốc được dùng để điều trị bệnh hột xoài theo quy định pháp luật là gì?

Căn cứ tại Mục 6 Bệnh hột xoài theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục ban hành kèm theo Quyết định 4568/QĐ-BYT năm 2013 quy định:

- Có nhiều loại thuốc được sử dụng điều trị bệnh hột xoài cụ thể như sau:

+ Azithromycin 1g/ngày trong 21 ngày, hoặc

+ Doxycyclin 100mg uống 2 viên/ngày trong 21 ngày hoặc

+ Erythromycin 500mg uống 4 lần/ngày trong 21 ngày hoặc

+ Tetracyclin 500mg uống 4 lần/ngày trong 21 ngày.

- Kháng sinh có tác dụng rút ngắn thời gian tiến triển của hạch bẹn và giảm bớt được biến chứng. Các hạch mềm đã làm mủ cần chọc hút để tránh bị vỡ.

- Chú ý: không dùng tetraxyclin và doxycyclin cho phụ nữ có thai và con bú, trẻ dưới 7 tuổi.

- Các di chứng chít hẹp trực tràng, các lỗ dò và phù voi có thể cần phải can thiệp ngoại khoa.

- Bạn tình cần được khám và điều trị đầy đủ.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

132 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào