Bệnh binh học văn bằng 2 có được miễn học phí không? Nếu thuộc thì cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị miễn học phí gồm những giấy tờ gì?
Bệnh binh học văn bằng 2 có được miễn học phí không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về đối tượng được miễn học phí như sau:
Đối tượng được miễn học phí
1. Các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
...
Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng 2020 quy định như sau:
Đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
1. Người có công với cách mạng bao gồm:
a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
c) Liệt sĩ;
d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
e) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
g) Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;
h) Bệnh binh;
...
Theo quy định trên, các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thì được miễn học phí.
Mà người có công với cách mạng có bao gồm bệnh binh.
Và hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên theo khoản 1 Điều 6 Luật Giáo dục 2019.
Như vậy, bệnh binh học văn bằng 2 tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thì được miễn học phí.
Miễn học phí (Hình từ Internet)
Bệnh binh học văn bằng 2 cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị miễn học phí gồm những giấy tờ gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 81/2021/NĐ-CP, khoản 1 Điều 5 Nghị định 104/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Hồ Sơ thủ tục thực hiện miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí đối với người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học
1. Hồ sơ:
a) Đơn đề nghị miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí:
...
- Đối với các đối tượng thuộc diện miễn, giảm học phí ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập: Mẫu theo Phụ lục V; đối với các đối tượng thuộc diện miễn, giảm học phí ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tư thục: Mẫu theo Phụ lục VII.
b) Bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao từ sổ gốc giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với các đối tượng sau:
- Giấy xác nhận của cơ quan quản lý đối tượng người có công đối với đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này;
...
d) Người học thuộc diện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập chỉ phải làm 01 bộ hồ sơ nộp lần đầu cho cả thời gian học tập. Riêng đối với người học thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì vào mỗi đầu học kỳ phải nộp bổ sung giấy xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm căn cứ xem xét miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho kỳ học tiếp theo.
đ) Trường hợp học sinh, sinh viên có thẻ căn cước công dân và được cấp mã số định danh cá nhân, thông tin về nơi thường trú có thể khai thác từ việc kết nối và chia sẻ dữ liệu về dân cư với các cơ sở giáo dục đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Tài chính, Sở Tài chính, thì cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em, học sinh, sinh viên không phải nộp “Giấy khai sinh” và “Sổ hộ khẩu thường trú”.
...
Theo đó, hồ sơ đề nghị miễn học phí đối với bệnh binh học văn bằng 2 gồm:
- Đơn đề nghị miễn học phí theo mẫu quy định:
+ Bệnh binh học văn bằng 2 thuộc diện miễn học phí ở cơ sở giáo dục đại học công lập: Đơn đề nghị theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP;
+ Bệnh binh học văn bằng 2 thuộc diện miễn học phí ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tư thục theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP;
- Giấy xác nhận của cơ quan quản lý đối tượng người có công đối với đối tượng bệnh binh.
Người học thuộc diện miễn học phí chỉ phải làm 01 bộ hồ sơ nộp lần đầu cho cả thời gian học tập.
Trình tự thực hiện miễn học phí đối với bệnh binh học văn bằng 2 như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 Điều 19 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Hồ Sơ thủ tục thực hiện miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí đối với người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học
...
2. Trình tự thực hiện:
Trong vòng 45 ngày làm việc kể từ ngày khai giảng năm học, cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên; học sinh, sinh viên, học viên học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học thuộc đối tượng được miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí học tập nộp Đơn (theo mẫu tại Phụ lục II; Phụ lục III; Phụ lục IV; Phụ lục V; Phụ lục VI, Phụ lục VII Nghị định này) và bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao từ sổ gốc một trong các giấy tờ được quy định tại khoản 1 Điều này để minh chứng thuộc đối tượng miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập gửi cơ sở giáo dục theo hình thức nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc hệ thống giao dịch điện tử.
3. Trách nhiệm xét duyệt và thẩm định hồ sơ:
...
c) Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập: Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị miễn, giảm học phí, Thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và quyết định miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên và học viên; đồng thời lập danh sách học sinh, sinh viên, học viên được miễn, giảm học phí theo mẫu quy định tại Phụ lục IX gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp. Cơ quan quản lý cấp trên thẩm định, lập dự toán kinh phí theo mẫu quy định tại Phụ lục X gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách hàng năm;
...
đ) Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tư thục: Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị miễn, giảm học phí, Thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tư thục có trách nhiệm xác nhận hồ sơ miễn, giảm học phí đối với người học; đồng thời lập danh sách người học được miễn, giảm học phí theo mẫu quy định tại Phụ lục IX gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người học đăng ký thường trú để thực hiện theo quy định.
Theo đó, trong 45 ngày làm việc kể từ ngày khai giảng năm học, sinh viên học ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc đối tượng được miễn học phí nộp Đơn theo mẫu và bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao từ sổ gốc một trong các giấy tờ được quy định để minh chứng thuộc đối tượng miễn học phí gửi cơ sở giáo dục theo hình thức nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc hệ thống giao dịch điện tử.
- Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập:
+ Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị miễn học phí, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và quyết định miễn học phí đối với sinh viên.
+ Đồng thời lập danh sách sinh viên được miễn học phí theo mẫu quy định tại Phụ lục IX gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp. Cơ quan quản lý cấp trên thẩm định, lập dự toán kinh phí theo mẫu quy định tại Phụ lục X gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách hàng năm;
- Đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục:
+ Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị miễn học phí, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học tư thục có trách nhiệm xác nhận hồ sơ miễn, giảm học phí đối với người học.
+ Đồng thời lập danh sách người học được miễn học phí theo mẫu quy định tại Phụ lục IX gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người học đăng ký thường trú để thực hiện theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.