Bảo tồn di sản văn hóa là gì? Nhà nước có những chính sách gì nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa?

Tôi có thắc mắc là không biết có quy định cụ thể về Bảo tồn di sản văn hóa không? Nhà nước có những chính sách gì nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa? Những ai có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá? Câu hỏi của anh Q.B (Quảng Ninh).

Bảo tồn di sản văn hóa là gì?

Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Di sản văn hoá quy định tại Luật Di sản văn hóa 2001 bao gồm di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (theo Điều 1 Luật Di sản văn hóa 2001)

Hiện nay, không có quy định cụ thể giải thích về Bảo tồn di sản văn hóa là gì, tuy nhiên, có thể hiểu bảo tồn di sản văn hóa là các nỗ lực nhằm bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của di sản theo dạng thức vốn có của nó.

Bảo tồn là bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của sự vật hiện tượng theo dạng thức vốn có của nó. Bảo tồn là giữ lại, không để mất đi, không để bị thay đổi, biến hóa hay biến thái.

Đối tượng bảo tồn di sản văn hóa, tức là các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cần thỏa mãn hai điều kiện:

Một là, nó phải được coi là tinh hoa, là một giá trị đích thực được thừa nhận minh bạch, không có gì phải hồ nghi hay bàn cãi.

Hai là, nó phải hàm chứa khả năng, chí ít là tiềm năng, đứng vững lâu dài với thời gian, là cái giá trị của nhiều thời (tức là có giá trị lâu dài) trước những biến đổi tất yếu về đời sống vật chất và tinh thần của con người, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra cực kỳ sôi động.

Bảo tồn di sản văn hóa là gì

Bảo tồn di sản văn hóa là gì? (Hình từ Internet)

Nhà nước có những chính sách gì nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa?

Nhà nước có những chính sách nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo quy định tại Điều 9 Luật Di sản văn hóa 2001 dưới đây:

- Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

- Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hoá. Chủ sở hữu di sản văn hoá có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

- Nhà nước đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Đồng thời, tại Điều 3 Nghị định 98/2010/NĐ-CP có quy định về Chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cụ thể như sau:

- Xây dựng và thực hiện chương trình mục tiêu bảo tồn các di sản văn hóa tiêu biểu.

- Khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước và thực hiện các chính sách ưu đãi về tinh thần và vật chất đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt.

- Nghiên cứu áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào các hoạt động sau đây:

+ Thăm dò, khai quật khảo cổ; bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích;

+ Thẩm định, quản lý sưu tập, bảo quản hiện vật, chỉnh lý, đổi mới nội dung, hình thức trưng bày và hoạt động giáo dục của bảo tàng;

+ Sưu tầm, lưu giữ và phổ biến giá trị di sản văn hóa phi vật thể; thành lập ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể.

- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp về tinh thần và vật chất hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xây dựng và thực hiện các dự án hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật.

Những ai có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá?

Trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá theo quy định tại Điều 10 Luật Di sản văn hóa 2001 dưới đây:

Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi là tổ chức) và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

55,185 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào