Bao nhiêu tuổi thì không được phép kết hôn nữa? Độ tuổi kết hôn hiện nay được quy định như thế nào?
Bao nhiêu tuổi thì không được kết hôn nữa? Độ tuổi kết hôn hiện nay được pháp luật quy định như thế nào?
Kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân, các quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng với nhau.
Theo đó, để được kết hôn thì hai bên nam nữ cần phải đáp ứng được các điều kiện kết hôn theo quy định (Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Và một trong những điều kiện quan trọng cần được lưu ý đó là điều kiện về độ tuổi kết hôn.
Theo đó, độ tuổi kết hôn đối với nam là phải từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Lưu ý là độ tuổi này phải được tính tròn ngày, tròn tháng, tròn năm
Ví dụ:
+ Anh A sinh ngày 18/10/1999 thì thời điểm anh A đủ 20 tuổi là vào ngày 18/10/2019;
+ Chị B sinh ngày 25/11/2000 thì thời điểm chị B đủ 18 tuổi là vào ngày 25/11/2018;
Như vậy có thể thấy, pháp luật hiện hành chỉ quy định về độ tuổi tối thiểu được kết hôn chứ không quy định bao nhiêu tuổi thì không được kết hôn nữa. Tuy nhiên cũng cần phải đáp ứng được các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Bao nhiêu tuổi thì không được kết hôn nữa? Độ tuổi kết hôn hiện nay được quy định như thế nào? (hình từ internet)
Cấm thành viên gia đình đủ tuổi kết hôn bị xử phạt hành chính bao nhiêu?
Hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở thành viên gia đình đủ tuổi kết hôn được quy định tại Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:
Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.
...
Đồng thời, căn cứ khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định:
Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
...
Như vậy, người có hành vi cấm thành viên gia đình đủ tuổi kết hôn lấy vợ/ chồng thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Những hành vi nào bị nghiêm cấm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình?
Những hành vi bị nghiêm cấm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cụ thể gồm các hành vi sau:
- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
- Yêu sách của cải trong kết hôn;
- Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
- Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
- Bạo lực gia đình;
- Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.