Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan nào? Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm những ai?
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan nào?
Vị trí của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 89/2020/NĐ-CP như sau:
Vị trí và chức năng
1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có tên giao dịch quốc tế tiếng Anh là Viet Nam Social Security, viết tắt là VSS.
3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Theo quy định trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Hình từ Internet)
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm những ai?
Thành viên lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 89/2020/NĐ-CP như sau:
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam
1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Tổng Giám đốc và không quá 05 Phó Tổng Giám đốc.
2. Tổng Giám đốc là người đứng đầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội. Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và thành viên Chính phủ được phân công phụ trách Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tổ chức thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 2 Nghị định này.
3. Các Phó Tổng Giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và Tổng Giám đốc; được Tổng Giám đốc phân công chỉ đạo một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc về nhiệm vụ được phân công. Khi Tổng Giám đốc vắng mặt, một Phó Tổng Giám đốc được Tổng Giám đốc ủy nhiệm lãnh đạo, điều hành hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
...
Theo đó, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm Tổng Giám đốc và không quá 05 Phó Tổng Giám đốc.
Tổng Giám đốc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam làm việc theo chế độ nào?
Chế độ làm việc của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 89/2020/NĐ-CP như sau:
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam
...
4. Chế độ làm việc và trách nhiệm, quyền hạn của Tổng Giám đốc:
a) Tổng Giám đốc làm việc theo chế độ Thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; ban hành quy chế làm việc, chế độ thông tin, báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quy chế đó;
b) Tổng Giám đốc phân công hoặc ủy quyền cho Phó Tổng Giám đốc giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Tổng Giám đốc. Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm về quyết định của Phó Tổng Giám đốc được phân công hoặc ủy quyền giải quyết;
c) Tổng Giám đốc có trách nhiệm chuẩn bị các nội dung quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định này để báo cáo Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội xem xét thông qua và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản lý;
d) Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra thâm hụt quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế do quản lý, điều hành của mình trong việc thu nộp, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế không đúng theo quy định của pháp luật;
đ) Tổng Giám đốc quy định cụ thể tiêu chuẩn chức danh và quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý trong hệ thống tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định của pháp luật;
e) Tổng Giám đốc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, giao biên chế, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các tổ chức thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc các đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc và quyết định số lượng cấp phó của các phòng thuộc bảo hiểm xã hội tỉnh. Căn cứ vào tình hình của mỗi địa phương, Tổng Giám đốc quyết định số lượng Phó Giám đốc cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo không vượt quá số lượng quy định tại khoản 2 Điều 6 và khoản 4 Điều 7 Nghị định.
Như vậy, Tổng Giám đốc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam làm việc theo chế độ Thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Đồng thời ban hành quy chế làm việc, chế độ thông tin, báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quy chế đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.