Báo cáo tài chính phải có chữ ký của những ai? Báo cáo tài chính không có chữ ký của những người này thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải có chữ ký của những ai?
Căn cứ theo Điều 29 Luật Kế toán 2015 quy định về báo cáo tài chính của đơn vị kế toán như sau:
Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán
1. Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính và kết quả hoạt động của đơn vị kế toán. Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán gồm:
a) Báo cáo tình hình tài chính;
b) Báo cáo kết quả hoạt động;
c) Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
d) Thuyết minh báo cáo tài chính;
đ) Báo cáo khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc lập báo cáo tài chính của đơn vị kế toán được thực hiện như sau:
a) Đơn vị kế toán phải lập báo cáo tài chính vào cuối kỳ kế toán năm; trường hợp pháp luật có quy định lập báo cáo tài chính theo kỳ kế toán khác thì đơn vị kế toán phải lập theo kỳ kế toán đó;
b) Việc lập báo cáo tài chính phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán. Đơn vị kế toán cấp trên phải lập báo cáo tài chính tổng hợp hoặc báo cáo tài chính hợp nhất dựa trên báo cáo tài chính của các đơn vị kế toán trong cùng đơn vị kế toán cấp trên;
c) Báo cáo tài chính phải được lập đúng nội dung, phương pháp và trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán; trường hợp báo cáo tài chính trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do;
d) Báo cáo tài chính phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán. Người ký báo cáo tài chính phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo.
3. Báo cáo tài chính năm của đơn vị kế toán phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật.
4. Bộ Tài chính quy định chi tiết về báo cáo tài chính cho từng lĩnh vực hoạt động; trách nhiệm, đối tượng, kỳ lập, phương pháp lập, thời hạn nộp, nơi nhận báo cáo và công khai báo cáo tài chính.
Như vậy, theo quy định hiện nay thì báo cáo tài chính phải có chữ ký của những người sau đây:
- Người lập báo cáo tài chính;
- Kế toán trưởng;
- Người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán.
Chữ ký trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp (Hình từ Internet)
Báo cáo tài chính không có chữ ký của những người quy định phải có thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lập báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung hoặc không đúng biểu mẫu theo quy định;
b) Báo cáo tài chính không có chữ ký của người lập, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lập không đầy đủ các báo cáo tài chính theo quy định;
b) Áp dụng mẫu báo cáo tài chính khác với quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán trừ trường hợp đã được Bộ Tài chính chấp thuận.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không lập báo cáo tài chính theo quy định;
b) Lập báo cáo tài chính không đúng với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán;
c) Lập và trình bày báo cáo tài chính không tuân thủ đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.
Lưu ý: theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP) thì mức mức phạt tiền trên đây được áp dụng đối với tổ chức. Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 lần mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp lập báo cáo tài chính nhưng không có chữ ký của người lập, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Báo cáo tài chính năm phải có những thông tin chung nào về doanh nghiệp?
Tại Điều 111 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định cụ thể trong báo cáo tài chính năm, doanh nghiệp phải trình bày các thông tin chung sau:
- Tên và địa chỉ của doanh nghiệp báo cáo;
- Nêu rõ Báo cáo tài chính này là Báo cáo tài chính riêng của doanh nghiệp, Báo cáo tài chính tổng hợp hay Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ, tập đoàn;
- Ngày kết thúc kỳ kế toán;
- Ngày lập Báo cáo tài chính;
- Đơn vị tiền tệ dùng để ghi sổ kế toán;
- Đơn vị tiền tệ dùng để lập và trình bày Báo cáo tài chính.
Tải về mẫu báo cáo tình hình tài chính mới nhất 2023: Tại Đây
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.