Bản sao của tác phẩm là gì? Khi cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả có phải nộp lại bản sao của tác phẩm?
Bản sao của tác phẩm là gì?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 17/2023/NĐ-CP có định nghĩa bản sao của tác phẩm như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tác phẩm di cảo là tác phẩm được công bố lần đầu sau khi tác giả chết.
2. Tác phẩm khuyết danh là tác phẩm không có hoặc chưa có tên tác giả (tên khai sinh hoặc bút danh) trên tác phẩm khi công bố.
3. Định hình là sự biểu hiện bằng chữ viết, các ký tự khác, đường nét, hình khối, bố cục, màu sắc, âm thanh, hình ảnh hoặc sự tái hiện âm thanh, hình ảnh dưới dạng vật chất nhất định để từ đó có thể nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt.
4. Bản gốc tác phẩm là bản được tồn tại dưới dạng vật chất mà trên đó việc sáng tạo tác phẩm được định hình lần đầu tiên.
5. Bản sao của tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
...
Theo đó, bản sao của tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
Bản sao của tác phẩm là gì? Khi cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả có phải nộp lại bản sao của tác phẩm? (Hình từ Internet)
Khi cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả có phải nộp lại bản sao của tác phẩm?
Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 40 Nghị định 17/2023/NĐ-CP có quy định như sau:
Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan
1. Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan đã được cấp khi bản đã cấp bị mất hoặc rách nát, hư hỏng.
2. Thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan bao gồm:
a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan (theo mẫu) do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ;
b) 02 bản sao của tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng;
c) Văn bản ủy quyền nếu người nộp hồ sơ là người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 38 của Nghị định này;
d) Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan bị rách nát, hư hỏng kèm bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được đóng dấu, ghi số Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
...
Theo đó, trong hồ sơ khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ bao gồm:
(1) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan (theo mẫu) do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ;
(2) 02 bản sao của tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng;
(3) Văn bản ủy quyền nếu người nộp hồ sơ là người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 38 của Nghị định 17/2023/NĐ-CP;
(4) Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan bị rách nát, hư hỏng kèm bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được đóng dấu, ghi số Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
Do đó, khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác thì người làm hồ sơ cấp lại cần phải nộp lại 02 bản sao của tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng theo quy định.
Hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả trong trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 42 Nghị định 17/2023/NĐ-CP có quy định như sau:
Hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan
1. Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 55 của Luật Sở hữu trí tuệ.
...
Như vậy, cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả trong trường hợp sau đây:
(1) Trong trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã đăng ký không thuộc đối tượng bảo hộ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
(2) Tổ chức, cá nhân phát hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trái với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
*(Nội dung được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 55 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được đổi bởi khoản 16 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022)
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.