Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần được quy định như thế nào? Có nhiệm kỳ là bao nhiêu năm?
Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần được quy định như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 44 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định như sau:
Ban kiểm soát và cơ cấu Ban kiểm soát
1. Ban kiểm soát thực hiện kiểm toán nội bộ, kiểm soát, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật, quy định nội bộ, Điều lệ và nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.
...
Theo quy định nêu trên thì Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần thực hiện kiểm toán nội bộ, kiểm soát, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật, quy định nội bộ, Điều lệ và nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu, Hội đồng quản trị.
Nhiệm kỳ của Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần là bao nhiêu năm?
Theo khoản 4 Điều 44 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định như sau:
Ban kiểm soát và cơ cấu Ban kiểm soát
....
4. Nhiệm kỳ của Ban kiểm soát không quá 05 năm. Nhiệm kỳ của thành viên Ban kiểm soát theo nhiệm kỳ của Ban kiểm soát. Thành viên Ban kiểm soát có thể được bầu hoặc bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Nhiệm kỳ của thành viên được bổ sung hoặc thay thế là thời hạn còn lại của nhiệm kỳ. Ban kiểm soát của nhiệm kỳ vừa kết thúc tiếp tục hoạt động cho đến khi Ban kiểm soát của nhiệm kỳ mới tiếp quản công việc.
...
Theo quy định nêu trên thì Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần có nhiệm kỳ không quá 05 năm.
Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần được quy định như thế nào? Có nhiệm kỳ là bao nhiêu năm? (Hình từ Internet)
Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn gì?
Theo Điều 45 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (được bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017) quy định Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát
1. Giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng trong việc quản trị, điều hành tổ chức tín dụng; chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu, thành viên góp vốn trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Ban hành quy định nội bộ của Ban kiểm soát; định kỳ hằng năm xem xét lại quy định nội bộ của Ban kiểm soát, các chính sách quan trọng về kế toán và báo cáo.
2a. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, đình chỉ và quyết định mức lương, lợi ích khác đối với các chức danh thuộc bộ phận kiểm toán nội bộ.
3. Thực hiện chức năng kiểm toán nội bộ; có quyền sử dụng tư vấn độc lập và quyền được tiếp cận, cung cấp đủ, chính xác, kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động quản lý, điều hành tổ chức tín dụng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
4. Thẩm định báo cáo tài chính 06 tháng đầu năm và hằng năm của tổ chức tín dụng; báo cáo Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu, thành viên góp vốn về kết quả thẩm định báo cáo tài chính, đánh giá tính hợp lý, hợp pháp, trung thực và mức độ cẩn trọng trong công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính. Ban kiểm soát có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên trước khi trình báo cáo và kiến nghị lên Đại hội đồng cổ đông hoặc chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn.
5. Kiểm tra sổ kế toán, các tài liệu khác và công việc quản lý, điều hành hoạt động của tổ chức tín dụng khi xét thấy cần thiết hoặc theo nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc theo yêu cầu của cổ đông lớn hoặc nhóm cổ đông lớn hoặc chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn hoặc Hội đồng thành viên phù hợp với quy định của pháp luật. Ban kiểm soát thực hiện kiểm tra trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Ban kiểm soát phải báo cáo, giải trình về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
6. Kịp thời thông báo cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên khi phát hiện người quản lý tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm; yêu cầu người vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả, nếu có.
7. Lập danh sách cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, thành viên góp vốn và người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng; lưu giữ và cập nhật thay đổi của danh sách này.
8. Đề nghị Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên họp bất thường hoặc đề nghị Hội đồng quản trị triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường theo quy định của Luật này và Điều lệ của tổ chức tín dụng.
9. Triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường trong trường hợp Hội đồng quản trị có quyết định vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật này hoặc vượt quá thẩm quyền được giao và trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng.
10. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.