Bản án là gì? Bản án sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm đúng không?
Bản án là gì?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 như sau:
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân
...
2. Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng; căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân.
Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
...
Hiện nay, không có văn bản nào nêu rõ khái niệm "Bản án" là gì. Từ quy định trên, bản án có thể hiểu đơn giản là một văn bản pháp lý do Tòa án ban hành, trong đó ghi nhận quyết định cuối cùng của Tòa án về việc giải quyết một vụ án cụ thể sau quá trình xét xử.
Bản án thể hiện ý chí quyền lực của Nhà nước thông qua cơ quan tư pháp và có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên liên quan.
Bản án là gì? Bản án sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm đúng không? (Hình từ Internet)
Bản án sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm đúng không?
Căn cứ quy định tại Điều 6 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 như sau:
Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm
1. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do luật định thì có hiệu lực pháp luật.
Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Như vậy, bản án sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm.
Trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị và vụ án được xét xử phúc thẩm thì bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị không?
Theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
Ngoài ra, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao còn có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Ban hành nghị quyết hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật;
- Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử;
- Thảo luận, góp ý kiến đối với báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của Tòa án nhân dân để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước;
- Tham gia ý kiến đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và dự thảo văn bản pháp luật giữa Tòa án nhân dân tối cao với cơ quan có liên quan theo quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật.
Lưu ý:
- Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi thảo luận, thông qua nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.