Bác sĩ được quyền bán thuốc cho người bệnh tại nhà mình không? Nếu không thì khi vi phạm sẽ bị xử phạt thế nào?
Bác sĩ được quyền bán thuốc cho người bệnh tại nhà mình không?
Theo khoản 4 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là người đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Và theo khoản 1 Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định những chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:
Chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề
1. Chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề bao gồm:
a) Bác sỹ;
b) Y sỹ;
c) Điều dưỡng;
d) Hộ sinh;
đ) Kỹ thuật y;
e) Dinh dưỡng lâm sàng;
g) Cấp cứu viên ngoại viện;
h) Tâm lý lâm sàng;
i) Lương y;
k) Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
...
Do đó, bác sĩ được xem là người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Việc bác sĩ được quyền bán thuốc cho người bệnh tại nhà mình không, theo quy định tại khoản 11 Điều 7 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
...
11. Người hành nghề bán thuốc dưới mọi hình thức, trừ các trường hợp sau đây:
a) Bác sỹ y học cổ truyền, y sỹ y học cổ truyền, lương y bán thuốc cổ truyền;
b) Người có bài thuốc gia truyền bán thuốc theo bài thuốc gia truyền thuộc quyền sở hữu của mình đã được đăng ký.
...
Theo quy định trên, bác sĩ sẽ không được quyền bán thuốc cho người bệnh tại nhà mình, trừ trường hợp là bác sĩ y học cổ truyền, y sỹ y học cổ truyền, lương y bán thuốc cổ truyền hoặc người có bài thuốc gia truyền bán thuốc theo bài thuốc gia truyền thuộc quyền sở hữu của mình đã được đăng ký.
Bác sĩ được quyền bán thuốc cho người bệnh tại nhà mình không?
(Hình từ Internet)
Bác sĩ bán thuốc cho người bệnh tại nhà mình sẽ bị xử phạt thế nào?
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với bác sĩ bán thuốc cho người bệnh tại nhà mình được quy định tại điểm a khoản 6, điểm b khoản 8 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm d khoản 8 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
...
6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được bán thuốc y học cổ truyền theo quy định của pháp luật;
b) Đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh.
...
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 5 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 6 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm e và g khoản 7 Điều này;
d) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 22 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 7 Điều này;
đ) Người nước ngoài tái phạm hành vi quy định tại khoản 7 Điều này bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
Theo đó, trừ trường hợp được bán thuốc y học cổ truyền theo quy định của pháp luật, bác sĩ bán thuốc cho người bệnh tại nhà mình sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Đồng thời bác sĩ vi phạm còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với bác sĩ bán thuốc cho người bệnh tại nhà mình là bao lâu?
Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với bác sĩ bán thuốc cho người bệnh tại nhà mình là 01 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.