Bà nội có thể lập di chúc để lại di sản thừa kế là mảnh đất có đứng tên mình cho cháu nội không? Quyền thừa kế của cháu nội đối với phần di sản bà nội để lại được phát sinh khi nào?
Có thể lập di chúc để lại di sản thừa kế cho bất kỳ ai hay không?
Theo quy định tại Điều 624 và Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định liên quan đến di chúc và quyền của người lập di chúc như sau:
"Điều 624. Di chúc
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết."
"Điều 626. Quyền của người lập di chúc
Người lập di chúc có quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản."
Theo đó, có thể thấy di chúc là sự thể hiện ý chí của bà khi bà muốn chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Ngoài ra, bà hoàn toàn có quyền tự định đoạt ai là người thừa kế và phân định phần di sản thừa kế cho từng người.
Cho nên, việc bà muốn để lại toàn bộ di sản thừa kế cho cháu nội của mình là hoàn toàn hợp lý và không bị pháp luật ngăn cấm.
Bà nội có thể lập di chúc để lại di sản thừa kế là mảnh đất có đứng tên mình cho cháu nội không?
Bà nội có thể lập di chúc để lại di sản thừa kế là mảnh đất có đứng tên mình cho cháu nội không? (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng được quy định như sau:
"Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung."
Pháp luật hiện hành quy định vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Như vậy, dù trong thời gian hôn nhân hay khi một bên đã qua đời thì mỗi bên cũng chỉ được định đoạt phần tài sản của họ (một phần hai) trong khối tài sản chung vợ chồng.
Do bà không nói rõ nguồn gốc thửa đất nên bài viết tạm chia ra thành một số trường hợp sau:
(1) Trường hợp thửa đất là tài sản chung của vợ chồng.
Trường hợp này, người vợ chỉ có thể định đoạt một phần hai (1/2) giá trị thửa đất. Một phần hai còn lại là di sản thừa kế của người chồng. Nếu chồng bà không để lại di chúc thì phần di sản này được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất của chồng bà gồm: cha, mẹ, vợ và con (con đẻ, con nuôi) (căn cứ theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015). Trường hợp này, nếu bà muốn để lại di sản thừa kế là toàn bộ mảnh đất cho cháu nội thì phải được sự đồng ý của các con bà (đồng ý đối với phần tài sản mà các con bà được thừa kế).
(2) Trường hợp thứ hai, thửa đất là tài sản chung của vợ chồng bà nhưng gia đình bà đã làm thủ tục khai nhận thừa kế và thống nhất để bà đứng tên duy nhất đối với thửa đất (cha, mẹ chồng và các con bà từ chối hưởng thừa kế của chồng bà để lại và nhường quyền thừa kế cho bà).
Trường hợp này thì bà có toàn quyền định đoạt thửa đất theo ý chí của bà, tức là bà được quyền để lại toàn bộ di sản thừa kế là mảnh đất nói trên cho cháu nội mà không phải hỏi ý kiến ai.
(3) Trường hợp thứ ba, thửa đất được bà tạo lập sau khi chồng mất.
Trường hợp này theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nói trên thì thửa đất này là tài sản riêng của bà. Do vậy, bà toàn quyền định đoạt theo ý chí của bà mà không cần phải có sự đồng ý của các con.
Quyền thừa kế của cháu nội đối với phần di sản bà nội để lại được phát sinh khi nào?
Theo quy định tại Điều 614 Bộ luật Dân sự 2015:
"Điều 614. Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế
Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại."
Theo đó, quyền về tài sản thừa kế của cháu nội đối với phần di sản bà nội để lại được phát sinh kể từ thời điểm mở thừa kế. Đồng thời, nghĩa vụ tài sản thừa kế cũng được phát sinh từ thời điểm này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.