Ảnh khỏa thân là gì? Hành vi chụp ảnh khỏa thân đăng lên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?
Ảnh khỏa thân là gì? Hành vi chụp ảnh khỏa thân đăng lên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?
Ảnh khoả thân (còn gọi là ảnh lõa thể, ảnh nuy) là những bức ảnh chụp con người trong trạng thái không mặc quần áo (khỏa thân). Ảnh khỏa thân khác với ảnh sex, ảnh đồi trụy, ảnh khiêu dâm là những bức ảnh chủ yếu nhấn mạnh tính khiêu dâm của cơ thể người mẫu.
Chụp ảnh khỏa thân cũng được xem là một loại nghệ thuật của nhíp ảnh gia. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định nào nêu rõ về việc cấm chụp ảnh khỏa thân. Tuy nhiên, đối với những tấm ảnh khỏa thân có chứa nội dung khiêu dâm, đồi trụy thì khi truyền bá, phổ biến, lưu hành,.. có thể sẽ bị xử phạt.
Cụ thể theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 124 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) có quy định về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy như sau:
Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;
d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);
c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;
d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;
đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;
e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;
g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;
b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;
d) Phổ biến cho 101 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến ảnh có nội dung khiêu dâm, đồi trụy thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trên.
Như vậy, hành vi chụp ảnh khỏa thân đăng lên mạng xã hội có vi phạm pháp luật hay không còn tùy thuộc vào nội dung bức ảnh đó có mang tính khiêu dâm, đồi trụy hay không và mục đích của việc đăng bức ảnh đó là gì.
Trường hợp chụp ảnh khỏa thân có nội dung khiêu dâm, đồi trụy rồi phổ biến lên mạng xã hội mà có đủ các yếu tố cấu thành tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thì cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức phạt cáo nhất đối với tội này lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ảnh khỏa thân là gì? Hành vi chụp ảnh khỏa thân đăng lên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không? (Hình từ Internet)
Bị người khác đăng ảnh khỏa thân lên mạng xã hội thì có được yêu cầu bồi thường không?
Căn cứ Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, mỗi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Trường hợp cá nhân bị người khác đăng ảnh khỏa thân lên mạng xã hội thì có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Quyền của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động nhiếp ảnh được quy định thế nào?
Quyền của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động nhiếp ảnh được quy định tại Điều 4 Nghị định 72/2016/NĐ-CP như sau:
(1) Được hoạt động sáng tác tác phẩm nhiếp ảnh trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật.
(2) Được tham gia các hoạt động nhiếp ảnh theo quy định của pháp luật.
(3) Được hưởng các chính sách của Nhà nước trong hoạt động nhiếp ảnh quy định tại Điều 6 Nghị định 72/2016/NĐ-CP.
(4) Được nhà nước bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm nhiếp ảnh theo quy định của pháp luật.
(5) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.