Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ gửi yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin?
- Việc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin sẽ được áp dụng trong trường hợp nào?
- Việc chậm trễ gửi văn bản yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin sẽ do những đối tượng nào chịu trách nhiệm?
- Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ thông tin thuộc bí mật kinh doanh trên không gian mạng?
Việc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin sẽ được áp dụng trong trường hợp nào?
Trường hợp áp dụng yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền được quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 53/2022/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Có tài liệu chứng minh hoạt động của hệ thống thông tin là vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, an ninh mạng;
- Hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Lưu ý: Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền có hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Việc chậm trễ gửi văn bản yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin sẽ do những đối tượng nào chịu trách nhiệm?
Căn cứ tại điểm d khoản 4 Điều 21 Nghị định 53/2022/NĐ-CP về trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền như sau:
Trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền
...
4. Trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp:
a) Báo cáo về việc áp dụng biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền;
b) Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền;
c) Gửi văn bản yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin hoặc gửi Trung tâm Internet Việt Nam đề nghị tạm ngừng, thu hồi tên miền theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định; văn bản yêu cầu nêu rõ lý do, thời gian, nội dung và kiến nghị;
d) Trong trường hợp cấp bách, cần ngăn chặn kịp thời hoạt động của hệ thống thông tin tránh gây nguy hại cho an ninh quốc gia hoặc cần ngăn chặn hậu quả tác hại có thể xảy ra, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản qua fax, email để yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin;
Trong thời gian chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an phải gửi văn bản yêu cầu đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin. Trường hợp quá thời hạn trên mà không có quyết định bằng văn bản thì hệ thống thông tin được tiếp tục hoạt động. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra do việc chậm trễ gửi văn bản yêu cầu, cán bộ thực hiện và những người có liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật;
Như vậy, trong thời gian chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an phải gửi văn bản yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin.
Trường hợp quá thời hạn trên mà không có quyết định bằng văn bản thì hệ thống thông tin được tiếp tục hoạt động và tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra do việc chậm trễ gửi văn bản yêu cầu, cán bộ thực hiện và những người có liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Việc chậm trễ gửi văn bản yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin sẽ do những đối tượng nào chịu trách nhiệm? (Hình từ Internet)
Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ thông tin thuộc bí mật kinh doanh trên không gian mạng?
Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm trong việc phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật An ninh mạng 2018 cụ thể như sau:
- Kiểm tra an ninh mạng nhằm phát hiện, loại bỏ mã độc, phần cứng độc hại, khắc phục điểm yếu, lỗ hổng bảo mật; phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hoạt động xâm nhập bất hợp pháp hoặc nguy cơ khác đe dọa an ninh mạng;
- Triển khai biện pháp quản lý, kỹ thuật để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi gián điệp mạng, xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên hệ thống thông tin và kịp thời gỡ bỏ thông tin liên quan đến hành vi này;
- Phối hợp, thực hiện yêu cầu của lực lượng chuyên trách an ninh mạng về phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên hệ thống thông tin.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.