Ai là người đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ? Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức vào thời gian nào?
Ai là người đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 145/2013/NĐ-CP về Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ:
Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ
1. Năm lẻ 5, năm khác:
a) Tại tỉnh Điện Biên, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên dâng hoa tại Tượng đài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ;
b) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương.
2. Năm tròn:
a) Tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia: Lễ kỷ niệm tại tỉnh Điện Biên hoặc Hà Nội do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm;
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước (1 trong 4 chức danh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và đại điện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên dự lễ kỷ niệm;
Việc mời khách nước ngoài do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc diễn văn kỷ niệm;
b) Trong trường hợp lễ kỷ niệm tổ chức tại Hà Nội, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh Điện Biên và thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động này;
c) Các hoạt động khác được tổ chức như đối với năm lẻ 5, năm khác.
Đồng thời, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 145/2013/NĐ-CP thì:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. “Năm tròn”, “năm lẻ 5”, “năm khác” là số năm kỷ niệm (lần thứ) của các sự kiện.
a) “Năm tròn” là năm có chữ số cuối cùng là “0”;
b) “Năm lẻ 5” là năm có chữ số cuối cùng là “5”;
c) “Năm khác” là năm có các chữ số cuối cùng còn lại.
Riêng đối với trường hợp tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, việc xác định “năm tròn”, “năm lẻ 5” và “năm khác” được tính theo năm dương lịch.
...
Như vậy, sẽ tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia đối với lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024).
Đồng thời, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024).
Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024) (Hình từ Internet)
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức vào thời gian nào?
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 145/2013/NĐ-CP về tổ chức diễu binh, diễu hành, duyệt binh:
Tổ chức diễu binh, diễu hành, duyệt binh
Việc tổ chức diễu binh, diễu hành, duyệt binh trong lễ kỷ niệm thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, theo nguồn thông tin của Cục thông tin đối ngoại - Bộ Thông tin và Truyền thông thì Lễ diễu binh, diễu hành được tổ chức vào sáng 7-5-2024 sau Lễ mít tinh tại Sân vận động tỉnh Điện Biên.
Ngoài ra, tham gia Lễ diễu binh, diễu hành có 4 lực lượng: lực lượng pháo lễ, lực lượng Không quân bay chào mừng, lực lượng diễu binh, diễu hành, lực lượng đứng trên sân hơn 12.000 người.
Trong đó, điểm nhấn của Lễ diễu binh, diễu hành là có sự tham gia của lực lượng pháo lễ gồm 18 khẩu lựu pháo 105 và 9 máy bay trực thăng bay qua khán đài của lực lượng Không quân.
Chương trình Lễ diễu binh, diễu hành bắt đầu bằng 21 loạt pháo trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sau đó là phần trình diễn của 9 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay qua lễ đài.
Tiếp đó là phần trình diễn của Khối diễu binh (4 khối Nghi trượng, 24 khối quân đội, dân quân tự vệ, công an) và khối diễu hành (9 khối cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân, nông dân, tri thức, thanh niên, phụ nữ, khối các dân tộc Tây Bắc) và cuối cùng phần trình diễn của khối nghệ thuật.
Có thể nói rằng, Lễ diễu binh, diễu hành là điểm nhấn quan trọng Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5-1954 - 07/5/2024) nhằm biểu dương lực lượng, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cơ quan nào tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ?
Căn cứ tại mục 3 Phần IV Hướng dẫn 135-HD/BTGTW năm 2024 thì:
3. Các cơ quan báo chí Trung ương, bộ, ngành và các tỉnh, thành phố
- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền kỷ niệm sự kiện với nội dung phong phú, hấp dẫn và hình thức đổi mới, sáng tạo; tăng cường tuyên truyền những tác phẩm văn học nghệ thuật, tranh ảnh, thơ ca tiêu biểu sống mãi với thời gian của các văn nghệ sĩ viết về Chiến thắng Điện Biên Phủ và những tác phẩm được sáng tác mới chào mừng sự kiện.
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành; Chương trình nghệ thuật đặc biệt; Cầu truyền hình trực tiếp; tổ chức chiếu phim tài liệu và đưa tin về các hoạt động kỷ niệm.
- Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiếp sóng trực tiếp từ Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam; phát sóng các chương trình, các hoạt động kỷ niệm.
Như vậy, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành; Chương trình nghệ thuật đặc biệt; Cầu truyền hình trực tiếp; tổ chức chiếu phim tài liệu và đưa tin về các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.