Ai được khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính? Sử dụng có phải trả phí hay không?
- Ai được khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính? Sử dụng có phải trả phí hay không?
- Chi phí yêu cầu cung cấp thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được quy định thế nào?
- Trường hợp nào yêu cầu khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính bằng văn bản sẽ không được đáp ứng?
Ai được khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính? Sử dụng có phải trả phí hay không?
Về đối tượng được sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 20/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính
...
2. Đối tượng được khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính bao gồm:
a) Các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
b) Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức khác có liên quan trực tiếp đến công tác xử lý vi phạm hành chính;
c) Các cơ quan quyền lực nhà nước thực hiện chức năng giám sát công tác xử lý vi phạm hành chính có quyền yêu cầu và được cung cấp thông tin để phục vụ hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật;
d) Tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính được cung cấp thông tin về việc xử lý vi phạm hành chính của mình khi có đơn đề nghị và phải trả phí theo quy định.
Dẫn chiếu tới Điều 2 Nghị định 20/2016/NĐ-CP quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với:
1. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
2. Cơ quan thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
3. Cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
4. Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
5. Cơ quan thi hành quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
6. Cơ quan quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.
7. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức khác có liên quan đến việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
Nội dung trên quy định về các đối tượng được phép khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
Trong đó chỉ có các tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính phải trả phí khi đề nghị cung cấp thông tin về việc xử lý vi phạm hành chính của mình.
Ai được khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính? Sử dụng có phải trả phí hay không? (Hình từ Internet)
Chi phí yêu cầu cung cấp thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được quy định thế nào?
Hiện nay không quy định mức chi phí cụ thể đối với yêu cầu cung cấp thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, mà thực hiện theo quy định tại Điều 20 Thông tư 13/2016/TT-BTP như sau:
- Tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản liên quan đến tổ chức, cá nhân mình từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính phải trả chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin.
- Chi phí phải trả cho việc yêu cầu cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính bao gồm các khoản sau:
+ Chi phí để in, sao, chụp tài liệu;
+ Chi phí gửi tài liệu bằng dịch vụ bưu chính (nếu có).
Về mức chi phí phải trả cho việc này thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trường hợp nào yêu cầu khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính bằng văn bản sẽ không được đáp ứng?
Tại Điều 19 Thông tư 13/2016/TT-BTC quy định những trường hợp không đáp ứng đối với yêu cầu khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính bằng văn bản như sau:
Những trường hợp không cung cấp thông tin đối với yêu cầu khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính bằng văn bản
1. Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính không nêu rõ lý do, phạm vi, mục đích, nội dung thông tin cần cung cấp và hình thức cung cấp thông tin.
2. Yêu cầu cung cấp thông tin thuộc Danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật.
3. Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính không có chữ ký của người đại diện có thẩm quyền hoặc người đứng đầu tổ chức và đóng dấu xác nhận đối với cơ quan, tổ chức hoặc không có chữ ký, họ tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu và địa chỉ cụ thể của cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin.
4. Mục đích sử dụng thông tin về xử lý vi phạm hành chính không phù hợp với quy định của pháp luật.
5. Thông tin đã được cung cấp hai lần theo yêu cầu của tổ chức bị xử phạt hoặc của cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính.
6. Tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính không thực hiện việc trả chi phí cho việc cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.