Ai có thẩm quyền thăng, giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam?
- Ai có thẩm quyền thăng, giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam?
- Mỗi lần thăng hoặc giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ có thể thực hiện nhiều hơn một bậc không?
- Quyết định thăng, giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ phải được công bố tại đâu?
Ai có thẩm quyền thăng, giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam?
Thẩm quyền thăng, giáng cấp bậc quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 07/2016/TT-BQP như sau:
Thẩm quyền phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ
...
2. Thăng, giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
a) Tiểu đoàn trưởng và các chức vụ tương đương quyết định thăng cấp bậc Binh nhất đối với binh sĩ thuộc quyền;
b) Trung đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng và các chức vụ tương đương quyết định thăng, giáng cấp bậc đến Trung sĩ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền;
c) Sư đoàn trưởng và các chức vụ tương đương quyết định thăng, giáng cấp bậc quân hàm đến Thượng sĩ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền.
3. Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ vi phạm kỷ luật, nếu không còn đủ tư cách quân nhân, thì kỷ luật tước danh hiệu quân nhân theo quy định của Điều lệnh Quản lý bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam.
4. Thăng, giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị
a) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định thăng, giáng cấp bậc quân hàm đến Trung sĩ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên.
...
Như vậy, thẩm quyền thăng, giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam được quy định cụ thể như sau:
(1) Tiểu đoàn trưởng và các chức vụ tương đương quyết định thăng cấp bậc Binh nhất đối với binh sĩ thuộc quyền;
(2) Trung đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng và các chức vụ tương đương quyết định thăng, giáng cấp bậc đến Trung sĩ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền;
(3) Sư đoàn trưởng và các chức vụ tương đương quyết định thăng, giáng cấp bậc quân hàm đến Thượng sĩ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền.
Ai có thẩm quyền thăng, giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam? (Hình từ Internet)
Mỗi lần thăng hoặc giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ có thể thực hiện nhiều hơn một bậc không?
Việc thăng, giáng cấp bậc quân hàm được quy định tại Điều 3 Thông tư 07/2016/TT-BQP như sau:
Nguyên tắc thăng, giáng cấp bậc quân hàm; bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức đối với hạ sĩ quan, binh sĩ
1. Cấp có thẩm quyền quyết định thăng cấp bậc quân hàm, bổ nhiệm đến chức vụ nào thì có quyền giáng cấp bậc quân hàm; giáng chức, cách chức đối với hạ sĩ quan, binh sĩ đến cấp bậc, chức vụ đó.
2. Mỗi lần thăng hoặc giáng cấp bậc quân hàm chỉ cao hơn hoặc thấp hơn một bậc; trường hợp đặc biệt được thăng hoặc giáng nhiều bậc quân hàm, nhưng không vượt quá thẩm quyền quy định tại Thông tư này.
Như vậy, theo quy định thì mỗi lần thăng hoặc giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ chỉ được thực hiện cao hơn hoặc thấp hơn một bậc.
Trường hợp đặc biệt được thăng hoặc giáng nhiều bậc quân hàm, nhưng không vượt quá thẩm quyền quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BQP.
Quyết định thăng, giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ phải được công bố tại đâu?
Việc công bố quyết định thăng, giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 07/2016/TT-BQP như sau:
Tổ chức việc phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm và bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức đối với hạ sĩ quan, binh sĩ
1. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
a) Chỉ huy các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm và bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức đối với hạ sĩ quan, binh sĩ theo quy định của Thông tư này;
b) Học viên tốt nghiệp đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ được xét thăng cấp bậc quân hàm trước khi làm lễ bế giảng;
c) Quyết định phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm và bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức phải được công bố trước đơn vị để thực hiện và bổ sung vào hồ sơ, đồng thời đảm bảo quyền lợi được hưởng theo quy định.
2. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị
a) Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các đơn vị nhận nguồn, các đơn vị thuộc các Bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng các đơn vị chuyên môn dự bị có quân nhân dự bị đăng ký nghĩa vụ quân sự tại địa phương (nếu có) tổ chức thực hiện việc phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm và bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị theo quy định của Thông tư này;
b) Quyết định thăng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị thực hiện mỗi năm một lần vào ngày 22 tháng 12 hàng năm; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị theo yêu cầu nhiệm vụ;
...
Như vậy, quyết định thăng, giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ phải được công bố trước đơn vị để thực hiện và bổ sung vào hồ sơ, đồng thời đảm bảo quyền lợi được hưởng theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.