Ai có thẩm quyền quyết định ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty Lương thực miền Bắc? Tổng công ty có những ngành nghề kinh doanh nào?
Ai là chủ sở hữu của Tổng công ty Lương thực miền Bắc?
Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Hình từ Internet)
Theo Điều 6 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc ban hành kèm theo Nghị định 01/2018/NĐ-CP quy định như sau:
Chủ sở hữu của Tổng công ty
Nhà nước là chủ sở hữu của Tổng công ty. Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với Tổng công ty, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân công thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Tổng công ty theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định trên thì Nhà nước là chủ sở hữu của Tổng công ty Lương thực miền Bắc.
Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với Tổng công ty, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân công thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Tổng công ty theo quy định của pháp luật.
Chủ sở hữu của Tổng công ty Lương thực miền Bắc có thẩm quyền quyết định ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty không?
Theo khoản 1 Điều 10 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc ban hành kèm theo Nghị định 01/2018/NĐ-CP quy định chủ sở hữu nhà nước của Tổng công ty Lương thực miền Bắc có những quyền hạn sau đây:
Quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với Tổng công ty
1. Quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh của Tổng công ty; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản đối với Tổng công ty.
2. Quyết định nội dung Điều lệ, sửa đổi và bổ sung Điều lệ Tổng công ty.
3. Quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ; điều chỉnh, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ Tổng công ty.
4. Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý Tổng công ty; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên Tổng công ty.
5. Quyết định chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển của Tổng công ty.
6. Phê duyệt chủ trương đầu tư, mua, bán tài sản và hợp đồng huy động vốn của Tổng công ty theo quy định của pháp luật.
7. Quy định chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng; quyết định mức lương đối với Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên Tổng công ty.
8. Quy định cơ chế giao nhiệm vụ và tham gia thực hiện việc cung cấp và bảo đảm các sản phẩm, dịch vụ công ích, thiết yếu của nền kinh tế theo quy định của pháp luật.
9. Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật; đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh; quản lý, sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn của Tổng công ty. Đánh giá Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng Tổng công ty.
10. Các quyền và trách nhiệm khác theo quy định pháp luật.
Như vậy, căn cứ quy định trên thì chủ sở hữu nhà nước của Tổng công ty Lương thực miền Bắc có thẩm quyền quyết định ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty.
Tổng công ty Lương thực miền Bắc có những ngành nghề kinh doanh nào?
Theo khoản 3 Điều 4 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc ban hành kèm theo Nghị định 01/2018/NĐ-CP quy định Tổng công ty Lương thực miền Bắc có những ngành nghề kinh doanh như sau:
(1) Ngành nghề kinh doanh chính:
- Ngành lương thực: Thu mua, bảo quản, sản xuất chế biến, bán buôn, bán lẻ, dự trữ, lưu thông lương thực thực phẩm, nông sản. Xuất, nhập khẩu lương thực, nông sản; vật tư nông nghiệp, phân bón. Sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu các loại nguyên liệu, thành phẩm thức ăn chăn nuôi gia súc;
- Ngành muối: Sản xuất, chế biến, thu mua, bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu muối, hóa chất làm muối.
(2) Ngành, nghề có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính:
- Sản xuất, tái chế phế liệu, phụ phẩm của chế biến lúa gạo, muối;
- Sản xuất trấu ép viên, trấu ép ván; sản xuất chế biến các loại bánh, kẹo;
- Nhập khẩu vật tư nguyên liệu, máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển phục vụ cho sản xuất, kinh doanh lương thực; kinh doanh dịch vụ cho thuê văn phòng, cơ sở nhà đất hiện có của Tổng công ty; cung ứng các loại vật tư thiết bị chuyên dùng cho sản xuất, kinh doanh của ngành lương thực, thực phẩm;
- Tư vấn đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành muối; kinh doanh dịch vụ xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
- Phát triển chuỗi trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện ích dựa trên việc quy hoạch sắp xếp lại và khai thác có hiệu quả các diện tích đất hiện có của Tổng công ty và các đơn vị thành viên nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến tới tiêu thụ và phân phối bán lẻ lương thực, thực phẩm, nông sản chất lượng cao;
- Trồng rau, đậu các loại và trồng hoa, cây cảnh; trồng cây ăn quả; hoạt động dịch vụ sau thu hoạch; chế biến và bảo quản rau quả; bán buôn, bán lẻ thực phẩm, rau quả, đồ uống.
(3) Tổng công ty thực hiện thoái vốn tại các ngành nghề hiện đang kinh doanh không thuộc các ngành nghề hiện đang quy định tại các điểm a, b khoản 3 Điều này theo lộ trình được phê duyệt.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.