Yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công như thế nào?
Quyền đình công của người lao động hiện nay được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Lao động 2019 thì đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.
Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người lao động
1. Người lao động có các quyền sau đây:
...
e) Đình công;
...
Và quy định tại Điều 199 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Trường hợp người lao động có quyền đình công
Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công trong trường hợp sau đây:
1. Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
2. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
Theo đó, đình công là một quyền của người lao động nhằm giải quyết tranh chấp lao động, tuy nhiên việc tổ chức và thực hiện đình công phải tuân theo quy định pháp luật.
Có thể tiến hành đình công trong các trường hợp:
- Hòa giải không thành;
- Hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
- Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp;
- Người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
Yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công như thế nào?
Yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công như thế nào?
Theo quy định tại Điều 403 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công
1. Trong quá trình đình công hoặc trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt đình công, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
2. Người yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải làm đơn yêu cầu gửi Tòa án. Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:
a) Những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 362 của Bộ luật này;
b) Tên, địa chỉ của tổ chức lãnh đạo cuộc đình công;
c) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động nơi tập thể lao động đình công.
3. Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi bản sao quyết định đình công, quyết định hoặc biên bản hòa giải của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp lao động tập thể, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Theo đó, việc yêu cầu xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công thì người yêu cầu phải làm đơn yêu cầu gửi cho Tòa án và kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình.
Thời hạn yêu cầu: trong thời gian đình công hoặc trong 3 tháng kể từ ngày chấm dứt đình công.
Thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của đình công của cơ quan nào?
Theo quy định tại Điều 405 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công
1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra đình công có thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
2. Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh về tính hợp pháp của cuộc đình công trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Theo đó, thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra đình công.
Các cuộc đình công được xem là bất hợp pháp?
Theo quy định tại Điều 204 Bộ luật Lao động 2019 về các trường hợp bị xem là đình công bất hợp pháp như sau:
Trường hợp đình công bất hợp pháp
1. Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 của Bộ luật này.
2. Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.
3. Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật này.
4. Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật này.
5. Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định tại Điều 209 của Bộ luật này.
6. Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 210 của Bộ luật này.
Như vậy, các cuộc đình công thuộc trường hợp theo quy định trên sẽ xem là đình công bất hợp pháp.