Việt Nam có bao nhiêu tỉnh thành? Tỉnh nào có thu nhập bình quân đầu người cao nhất?
Việt Nam có bao nhiêu tỉnh thành?
Việt Nam có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương.
Lãnh thổ Việt Nam có diện tích 331.212 km² (gồm 3 phần 4 là đồi núi) chia làm 3 vùng: Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ
Tỉnh có diện tích lớn nhất là tỉnh Nghệ An với 16.500 km². Tỉnh có diện tích nhỏ nhất là tỉnh Bắc Ninh với 822,7 km².
Thành phố có dân số đông nhất là thành phố Hồ Chí Minh với 8.993.082 người. Tỉnh có dân số ít nhất là tỉnh Bắc Kạn với 313.084 người.
Việt Nam có bao nhiêu tỉnh thành? Tỉnh nào có thu nhập bình quân đầu người cao nhất? (Hình từ Internet)
Tỉnh nào có thu nhập bình quân đầu người cao nhất?
Theo kết quả công bố sơ bộ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 8,076 triệu đồng/người/tháng.
Hà Nội đứng thứ hai với 6,423 triệu đồng/người/tháng. TP. HCM ở vị trí thứ ba với 6,392 triệu đồng/người/tháng. Theo sau là các tỉnh có thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng là Đồng Nai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Nam Định.
Theo báo cáo, thu nhập bình quân tháng đầu người năm 2022 theo giá hiện hành cả nước đạt 4,67 triệu đồng, tăng 11,1 điểm % so với năm 2021. Năm 2022 là năm đánh dấu sự khôi phục về kinh tế và tình hình đời sống dân cư. Sau 2 năm 2019 và 2020, thu nhập bình quân đầu người giảm liên tiếp do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 quay trở lại xu hướng tăng như các năm từ 2019 trở về trước.
Thu nhập tăng đều ở cả thành thị và nông thôn. Thu nhập bình quân tháng đầu người năm 2022 ở khu vực thành thị đạt gần 5,95 triệu đồng (tăng 10,4 điểm % so với năm 2021) cao gấp 1,54 lần thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 3,86 triệu đồng (tăng 10,8 điểm % so với năm 2021).
Trong 6 vùng, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân tháng đầu người năm 2022 cao nhất (6,33 triệu đồng). Vùng có thu nhập bình quân tháng đầu người thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (3,17 triệu đồng).
Xem chi tiết Thông cáo báo chí Kết quả khảo sát mức sống dân cư 2022 của Tổng cục Thống kê: Tại đây
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
- Vùng 1: Mức lương tối thiểu tháng là 4.680.000 đồng và mức lương tối thiểu giờ là 22.500 đồng.
- Vùng 2: Mức lương tối thiểu tháng là 4.160.000 đồng và mức lương tối thiểu giờ là 20.000 đồng.
- Vùng 3: Mức lương tối thiểu tháng là 3.640.000 đồng và mức lương tối thiểu giờ là 17.500 đồng.
- Vùng 4: Mức lương tối thiểu tháng là 3.250.000 đồng và mức lương tối thiểu giờ là 15.600 đồng.
Theo đó, căn cứ vào nơi mà người lao động làm việc thuộc vùng nào để xác định mức lương tối thiểu vùng theo quy định trên.
Mức xử phạt hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về tiền lương
...
3. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:
a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
Lưu ý: theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, tùy vào số lượng người lao động bị trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mà người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính từ 20 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm và từ 40 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.
Ngoài việc bị phạt tiền, người sử dụng lao động còn buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền trả thiếu cho người lao động. Mức lãi suất sẽ được tính theo mức lãi tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm doanh nghiệp bị xử phạt.