Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được cơ cấu bao nhiêu Viện trưởng và Phó Viện trường?
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được cơ cấu bao nhiêu Viện trưởng và Phó Viện trường?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 189/QĐ-VKSTC năm 2020 năm 2020 quy định như sau:
Cơ cấu bộ máy làm việc, cơ cấu lãnh đạo, quản lý và công chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh
...
2. Cơ cấu lãnh đạo, quản lý:
a) Cơ cấu mỗi Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Viện trưởng và không quá 03 Phó Viện trưởng; Văn phòng tổng hợp có Chánh Văn phòng, 02 Phó Chánh Văn phòng. Đối với Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được cơ cấu Viện trưởng và không quá 04 Phó Viện trưởng, Chánh Văn phòng và không quá 03 Phó Chánh Văn phòng;
b) Cơ cấu lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 3 Quy định này; trường hợp phòng có từ 20 biên chế trở lên thì được cơ cấu Trưởng phòng và không quá 03 Phó Trưởng phòng.
...
Theo đó, mỗi Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có cơ cấu gồm Viện trưởng và không quá 03 Phó Viện trưởng. Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được cơ cấu Viện trưởng và không quá 04 Phó Viện trưởng.
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được cơ cấu bao nhiêu Viện trưởng và Phó Viện trường? (Hình từ Internet)
Viện trưởng và Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có nhiệm kỳ bao nhiêu năm?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 66 Luật Tổ chức Viện KIểm sát nhân dân 2014 quy định như sau:
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh
1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Chỉ đạo, điều hành, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; quyết định các vấn đề về công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp dưới trực thuộc trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp dưới trực thuộc trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trực thuộc;
c) Báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp mình và cấp dưới; trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp;
d) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
3. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.
Theo đó, nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 68 Luật Tổ chức Viện KIểm sát nhân dân 2014 quy định như sau:
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện
1. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
2. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, theo sự phân công hoặc ủy quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp mình; chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp mình và trước pháp luật.
3. Nhiệm kỳ của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.
Theo đó, nhiệm kỳ của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.
Như vậy, nhiệm kỳ của Viện trưởng và Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.
Công chức viên chức Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có những trách nhiệm gì?
Căn cứ theo Điều 59 Luật Tổ chức Viện KIểm sát nhân dân 2014 quy định như sau:
Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân
1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
2. Bồi thường, bồi hoàn thiệt hại gây ra khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
3. Giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác.
4. Tôn trọng và chịu sự giám sát của nhân dân.
5. Nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, quy định của Viện kiểm sát nhân dân; tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật.
6. Thường xuyên học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo đó, công chức, viên chức Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có những trách nhiệm sau:
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
- Bồi thường, bồi hoàn thiệt hại gây ra khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
- Giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác.
- Tôn trọng và chịu sự giám sát của nhân dân.
- Nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật và quy định của Viện kiểm sát nhân dân.
- Tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Thường xuyên học tập, nghiên cứu và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.