Viên chức thôi việc được hưởng những khoản trợ cấp nào?
Viên chức thôi việc trong những trường hợp nào?
Căn cứ theo nội dung được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010 thì:
(1) Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp:
- Không được bố trí công việc theo đúng vị trí, địa điểm làm việc; không được bảo đảm các điều kiện làm việc như đã được thỏa thuận trong hợp đồng làm việc
- Không được trả lương đầy đủ / đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc
- Bị ngược đãi, cưỡng bức lao động
- Bản thân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng
- Viên chức nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh
- Viên chức ốm đau/ bị tai nạn đã điều trị từ 3 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục
Lưu ý: Trường hợp viên chức thôi việc vì lý do bản thân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng thì phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 30 ngày, trường hợp còn lại thì phải thông báo ít nhất 03 ngày.
(2) Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước trong thời gian ít nhất 45 ngày.
Trường hợp viên chức ốm đau/ bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết.
Viên chức thôi việc được hưởng những khoản trợ cấp nào? (Hình từ Internet)
Thủ tục giải quyết cho viên chức thôi việc được quy định như thế nào?
Căn cứ theo nội dung được quy định tại khoản 3 Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP về thủ tục giải quyết thôi việc. Theo đó:
- Trường hợp viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì phải có thông báo thôi việc bằng văn bản gửi cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết.
- Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc không ký tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì sự nghiệp công lập phải giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức theo quy định.
- Thời hạn giải quyết thôi việc: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thôi việc của viên chức:
+ Trường hợp đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức theo quy định.
+ Trường hợp không đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do không đồng ý cho viên chức chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định.
Viên chức thôi việc được hưởng những khoản trợ cấp nào?
Theo nội dung được nêu tại Điều 45 Luật Viên chức 2010 (Được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) thì viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm khi:
- Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức;
- Hết thời hạn của hợp đồng nhưng người sử dụng lao động không ký kết tiếp hợp đồng làm việc;
- Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng do ốm đau, bị tai nạn theo quy định tại khoản 4 Điều 29 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010.
Lưu ý viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Bị buộc thôi việc;
+ Vi phạm quy định đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc
+ Chấm dứt hợp đồng làm việc do viên chức có quyết định nghỉ hưu.
(1) Trợ cấp thôi việc.
Mức hưởng trợ cấp thôi việc của viên chức: Căn cứ theo nội dung quy định tại Điều 58 Nghị định 115/2020/NĐ-CP về mức hưởng trợ cấp thôi việc đối với viên chức thôi việc:
Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31/12/2008 trở về trước:
- Mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng, bao gồm:
+ Mức lương theo chức danh nghề nghiệp
+ Phụ cấp chức vụ quản lý, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề
+ Hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);
- Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 tháng lương hiện hưởng;
- Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/07/2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/ 2008;
- Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01/07/2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.
Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 01/01/2009 đến nay
Được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.
Trợ cấp thôi việc = 1/2 x Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc x Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc.
(2) Trợ cấp thất nghiệp
Viên chức khi nghỉ việc sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi đảm bảo các điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013
Viên chức được hưởng theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng nữa nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Tuy nhiên, viên chức sẽ không được hưởng khoản trợ cấp này nếu không tìm kiếm việc làm sau khi thôi việc. Trong trường hợp này, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của viên chức vẫn được bảo lưu để được hưởng khi viên chức hoàn thiện hồ sơ và tiếp tục tìm kiếm việc làm nhưng không tìm được hoặc để đóng tiếp khi viên chức tiếp tục làm việc ở nơi làm việc mới.
(3) Bảo hiểm xã hội 1 lần
Ngoài ra căn cứ Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi có yêu cầu thì viên chức được hưởng BHXH 01 lần nếu thuộc các trường hợp sau đây:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc là công chức xã hoặc người hoạt động không chuyên trách ở xã chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện (theo điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019).
- Ra nước ngoài;
- Mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS…
Mức hưởng BHXH 01 lần được tính theo số năm đã đóng BHXH. Trong đó, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;
- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
- Chưa đóng đủ 01 năm BHXH thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.