Vị trí việc làm ngành marketing thương mại hệ cao đẳng và hệ trung cấp khác nhau như thế nào?
Pháp luật giới thiệu chung về ngành, nghề marketing thương mại hệ cao đẳng như thế nào?
Căn cứ theo tiểu mục 1 Mục A Chương 6 Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cho các ngành, nghề thuộc lĩnh vực báo chí, thông tin, kinh doanh và quản lý (sau đây gọi tắt là Quy định) ban hành kèm theo Thông tư 41/2018/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
1. Giới thiệu chung về ngành, nghề
Marketing thương mại trình độ cao đẳng là ngành, nghề thực hiện các nhiệm vụ và công việc nhằm phát hiện ra các nhu cầu, mong muốn của khách hàng, sáng tạo giá trị, truyền thông giá trị, cung ứng giá trị nhằm thỏa mãn nhu cầu của các bên tham gia quá trình trao đổi của doanh nghiệp với khách hàng một cách hiệu quả nhất, đáp ứng được yêu cầu bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Nhiệm vụ chính của nghề bao gồm: Tìm hiểu về môi trường marketing và thị trường; xác định định hướng chiến lược marketing của tổ chức; xây dựng các đề xuất chào hàng cho khách hàng của tổ chức; quản lý và cung ứng các chương trình truyền thông marketing; xây dựng, thực hiện và quản lý các kế hoạch marketing; sử dụng, nghiên cứu và phát triển cơ sở dữ liệu khách hàng; xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu.
Điều kiện và môi trường làm việc: các hoạt động marketing thương mại được thực hiện ở các tổ chức với điều kiện môi trường làm việc nhiều biến động, có cạnh tranh, có quan hệ giao dịch với các khách hàng khác nhau, có tính chuyên nghiệp.
Khối lượng kiến thức tối thiểu: 2.500 giờ (tương đương 90 tín chỉ).
Như vậy, đối với hệ cao đẳng, ngành nghề Marketing thương mại trình độ cao đẳng là ngành, nghề thực hiện các nhiệm vụ và công việc nhằm phát hiện ra các nhu cầu, mong muốn của khách hàng, sáng tạo giá trị, truyền thông giá trị, cung ứng giá trị nhằm thỏa mãn nhu cầu của các bên tham gia quá trình trao đổi của doanh nghiệp với khách hàng một cách hiệu quả nhất.
Ngành marketing thương mại hệ cao đẳng, trung cấp và cơ hội việc làm (Hình từ Internet)
Pháp luật giới thiệu chung về ngành, nghề marketing thương mại hệ trung cấp như thế nào?
Căn cứ theo tiểu mục 1 Mục B Chương 6 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 41/2018/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
1. Giới thiệu chung về ngành, nghề
Marketing thương mại trình độ trung cấp là ngành, nghề thực hiện các nhiệm vụ và công việc nhằm phát hiện ra các nhu cầu, mong muốn của khách hàng, sáng tạo giá trị, cung ứng giá trị nhằm thỏa mãn nhu cầu của các bên tham gia quá trình trao đổi của doanh nghiệp với khách hàng một cách hiệu quả nhất.
Nhiệm vụ chính của nghề bao gồm: Tìm hiểu về môi trường marketing và thị trường; thực hiện các đề xuất chào hàng cho khách hàng của tổ chức; quản lý và cung ứng các chương trình truyền thông marketing; thực hiện và quản lý các kế hoạch marketing; sử dụng, nghiên cứu và phát triển cơ sở dữ liệu khách hàng; quản lý và phát triển thương hiệu.
Điều kiện và môi trường làm việc: Các hoạt động marketing thương mại được thực hiện ở các tổ chức với điều kiện môi trường làm việc nhiều biến động, có cạnh tranh, có quan hệ giao dịch với các khách hàng khác nhau, có tính chuyên nghiệp.
Để hành nghề, người lao động phải có sức khỏe, đạo đức nghề nghiệp, có đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề đáp ứng với vị trí công việc, có kiến thức về ngoại ngữ, tin học… Ngoài ra, cần phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ, mở rộng kiến thức xã hội; rèn luyện tính cẩn thận, chi tiết, rõ ràng; xây dựng ý thức nghề và sự say mê nghề.
Tốt nghiệp trình độ trung cấp ngành, nghề Marketing thương mại, người học đáp ứng được yêu cầu bậc 4 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Khối lượng kiến thức tối thiểu: 1.635 giờ (tương đương 58 tín chỉ).
Như vậy, đối với hệ trung cấp, ngành marketing thương mại được pháp luật giới thiệu là ngành, nghề thực hiện các nhiệm vụ và công việc nhằm phát hiện ra các nhu cầu, mong muốn của khách hàng, sáng tạo giá trị, cung ứng giá trị nhằm thỏa mãn nhu cầu của các bên tham gia quá trình trao đổi của doanh nghiệp với khách hàng một cách hiệu quả nhất.
Vị trí làm việc ngành marketing thương mại hệ cao đẳng và hệ trung cấp khác nhau như thế nào?
Căn cứ theo tiểu mục 5 Mục A Chương 6 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 41/2018/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
5. Vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành, nghề bao gồm:
- Marketing truyền thống;
- Dịch vụ khách hàng;
- Quản lý nhãn hàng/ngành hàng;
- Thương hiệu;
- Truyền thông;
- Digital Marketing;
- Quản trị marketing truyền thống;
- Quản trị dịch vụ khách hàng;
- Quản trị thương hiệu;
- Quản trị Digital Marketing;
- Quản trị truyền thông.
Căn cứ theo tiểu mục 5 Mục B Chương 6 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 41/2018/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
5. Vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành, nghề bao gồm:
- Marketing;
- Dịch vụ khách hàng;
- Phụ trách nhãn hàng/ngành hàng;
- Quản lý thương hiệu;
- Phụ trách truyền thông;
- Digital Marketing.
Từ các quy định trên có thể thấy rõ, khi người học sau khi tốt nghiệp đáp ứng được các yêu cầu tại các vị trí việc làm thì cơ hội việc làm của hệ cao đẳng rộng hơn so với hệ trung cấp khi có thêm nhiều vị trí làm việc liên quan đến quản trị.
Mặc khác khối lượng kiến thức tối thiểu của hệ cao đẳng là 2.500 giờ (tương đương 90 tín chỉ) trong khi đó khối lượng kiến thức tối thiểu của hệ trung cấp 1.635 giờ (tương đương 58 tín chỉ). Từ đó có thể thấy thời gian học và được ra trường làm việc của hệ trung cấp sẽ nhanh hơn so với hệ cao đẳng.
Do đó người học có thể xem xét cân nhắc nhu cầu, mục tiêu nghề nghiệp, vị trí muốn làm việc sau khi ra trường để lựa chọn hệ đào tạo phù hợp.