Tuần lễ Áo dài 2024 diễn ra khi nào? Công chức viên chức có bắt buộc phải mặt áo dài đi làm trong tuần lễ này?
Tuần lễ Áo dài 2024 diễn ra khi nào?
"Tuần lễ Áo dài" năm 2024 do Hội LHPN Việt Nam phát động diễn ra từ ngày 1 đến ngày 8/3/2024 trên phạm vi toàn quốc.
Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1984 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nhằm góp phần tôn vinh giá trị của áo dài; khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị di sản áo dài trong cộng đồng; đồng thời cũng là dịp để giới thiệu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Một số tỉnh thành đã hưởng ứng phong trào này như:
- Đắk Lắk:
Sáng ngày 01/3/2024, Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk tổ chức diễu hành hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” năm 2024, tham gia diễu hành có lãnh đạo Hội LHPN tỉnh; cùng hơn 500 hội viên, phụ nữ.
Tuần lễ Áo dài được Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk triển khai với tinh thần: đối với cán bộ, hội viên, phụ nữ là cán bộ, công chức, nhân viên, người lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh mặc áo dài trong suốt thời gian làm việc, từ ngày 01/3 - 08/3/2024. Qua đó góp phần cùng nhau lan tỏa, quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam đến với người dân và bạn bè quốc tế, từng bước đưa các giá trị của áo dài Việt Nam trở thành di sản văn hóa phi vật thể.
- Kiên Giang:
Hội LHPN tỉnh Kiên Giang phát động hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thanh niên, học sinh, sinh viên và nhân dân trong toàn tỉnh hưởng ứng mặc áo dài tại địa phương, cơ quan, đơn vị nơi công tác hưởng ứng sự kiện bằng các hoạt động sáng tạo, thiết thực trong ngày làm việc phù hợp với điều kiện và đặc thù nghề nghiệp, tập trung đồng loạt vào ngày 08/3/2024.
Để lan tỏa “Tuần lễ Áo dài”, 22 nữ cán bộ công chức người, lao động cơ quan Hội LHPN tỉnh và 363 cán bộ Hội LHPN cấp huyện, cấp xã mặc Áo dài trong các ngày làm việc tại cơ cơ quan đến hết ngày 8/3/2024. Bên cạnh đó, Hội LHPN LHPN các huyện thành phố, Ban Phụ nữ công An tỉnh, Hội phụ nữ Biên Phòng, Quân sự phối hợp tổ chức 18 cuộc phát động hưởng ứng tuần lễ áo dài có trên 1.500 phụ nữ tham gia và có 955 chi hội phụ nữ ấp, khu phố và 10.406 tổ phụ nữ mặc áo dài trong các buổi họp mặt ôn lại truyền thống nhân kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại địa bàn dân cư. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh ban hành hướng dẫn chỉ đạo 1.189 công đoàn cơ sở trong toàn tỉnh hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” tại cơ quan, đơn vị.
Xem chi tiết: https://hoilhpn.org.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/cac-cap-hoi-huong-ung-tuan-le-ao-dai-nam-2024-63255-2.html
Tuần lễ Áo dài 2024 diễn ra khi nào? Công chức viên chức có bắt buộc phải mặt áo dài đi làm trong tuần lễ này?
Công chức viên chức có bắt buộc phải mặt áo dài đi làm trong tuần lễ này?
Căn cứ theo Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 129/2007/QĐ-TTg quy định về trang phục đối với công chức viên chức như sau:
Trang phục
1. Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự.
2. Cán bộ, công chức, viên chức có trang phục riêng thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 129/2007/QĐ-TTg cũng quy định về lễ phục như sau:
Lễ phục của cán bộ, công chức, viên chức là trang phục chính thức được sử dụng trong những buổi lễ, cuộc họp trọng thể, các cuộc tiếp khách nước ngoài bao gồm:
+ Lễ phục của nam cán bộ, công chức, viên chức: bộ comple, áo sơ mi, cravat.
+ Lễ phục của nữ cán bộ, công chức, viên chức: áo dài truyền thống, bộ comple nữ.
+ Đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, trang phục ngày hội dân tộc cũng coi là lễ phục.
Theo đó, công chức, viên chức có trang phục riêng thì thực hiện theo quy định của pháp luật. Do đó từng cơ quan sẽ có quy định cụ thể về trang phục riêng và công chức viên chức cần tuân thủ.
Như đề cập ở trên, Tuần lễ Áo dài 2024 do Hội LHPN Việt Nam phát động diễn ra từ ngày 1 đến ngày 8/3/2024 trên phạm vi toàn quốc là hoạt động chào mừng kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, không mang tính chất bắt buộc. Việc mặc áo dài trong tuần lễ này mang tính vận động, khuyến khích (trừ trường hợp đơn vị có quy định mặc áo dài là trang phục công sở).
Quy tắc giao tiếp của công chức viên chức khi làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước như thế nào?
Căn cứ theo Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 129/2007/QĐ-TTg quy định như sau:
Giao tiếp và ứng xử
Cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ phải thực hiện các quy định về những việc phải làm và những việc không được làm theo quy định của pháp luật.
Trong giao tiếp và ứng xử, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng. Ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt.
Căn cứ theo Điều 9 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 129/2007/QĐ-TTg quy định như sau:
Giao tiếp và ứng xử với nhân dân
Trong giao tiếp và ứng xử với nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc.
Cán bộ, công chức, viên chức không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ.
Căn cứ theo Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 129/2007/QĐ-TTg quy định như sau:
Giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp
Trong giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ trung thực, thân thiện, hợp tác.
Căn cứ theo Điều 11 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 129/2007/QĐ-TTg quy định như sau:
Giao tiếp qua điện thoại
Khi giao tiếp qua điện thoại, cán bộ, công chức, viên chức phải xưng tên, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; không ngắt điện thoại đột ngột.
Như vậy, công chức khi làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước khi giao tiếp cần phải đảm bảo theo chuẩn mực quy định pháp luật với từng đối tượng.