Từ tháng 7/2024 người lao động làm việc ở những tỉnh nào lương sẽ tăng thêm hơn 20%?
- Mức lương tối thiểu vùng thay đổi như thế nào từ 1/7/2024?
- Từ tháng 7/2024 người lao động làm việc ở những tỉnh nào lương sẽ tăng thêm hơn 20%?
- Người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động từ mức lương tối thiểu vùng trở lên đúng không?
- Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường được xác định như thế nào?
Mức lương tối thiểu vùng thay đổi như thế nào từ 1/7/2024?
Trước 1/7/2024, mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng như sau: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng, vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng, vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng, vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng (theo Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP đã hết hiệu lực).
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2024, mức lương tối thiểu tăng thêm từ 200.000 - 280.000 đồng tùy vùng so với mức lương tối thiểu trước 1/7/2024.
Sau khi điều chỉnh thì mức lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 như sau:
- Vùng 1 là 4,96 triệu đồng/tháng.
- Vùng 2 là 4,41 triệu đồng/tháng.
- Vùng 3 là 3,86 triệu đồng/tháng.
- Vùng 4 là 3,45 triệu đồng/tháng.
Như vậy, từ 1/7/2024, mức lương tối thiểu vùng tăng 6% so với mức lương tối thiểu vùng trước 1/7/2024.
Thông tin về lương:
>> Thay thế lương cơ sở 2.34, mức lương trong hệ thống bảng lương của CBCCVC và LLVT thay đổi
>> Đã có thời gian chính thức cải cách tiền lương cho cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang
Từ tháng 7/2024 người lao động làm việc ở những tỉnh nào lương sẽ tăng thêm hơn 20%? (Hình từ Internet)
Từ tháng 7/2024 người lao động làm việc ở những tỉnh nào lương sẽ tăng thêm hơn 20%?
Bên cạnh việc tăng mức lương tối thiểu tháng theo vùng thì cũng có sự điều chỉnh từ vùng 4 lên vùng 3, vùng 3 lên vùng 2, vùng 2 lên vùng 1 theo Phụ lục ban hành kèm Nghị định 38/2022/NĐ-CP (hết hiệu lực) và Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP. Cụ thể:
- Vùng 2 lên vùng 1 sẽ tăng từ 4.160.000 đồng/tháng lên thành 4.960.000 đồng/tháng, tương ứng với mức tăng 19,23% đối với các khu vực:
+ Quảng Ninh: Thị xã Quảng Yên, Đông Triều, thành phố Uông Bí, thành phố Móng Cái.
+ Hải Dương: Thành phố Hải Dương.
+ Đồng Nai: Huyện Thống Nhất.
+ Long An: Thành phố Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc.
- Vùng 3 lên vùng 2 sẽ tăng từ 3.640.000 đồng/tháng lên thành 4.410.000 đồng/tháng, tương ứng mức tăng 21,15% đối với các địa phương sau:
+ Bắc Giang: Thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên và huyện Yên Dũng.
+ Hải Dương: Thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Nam Sách, Kim Thành.
+ Thái Bình: Thành phố Thái Bình.
+ Đồng Nai: Huyện Tân Phú, Cẩm Mỹ.
+ Khánh Hòa: Thị xã Ninh Hòa.
+ Long An: Thị xã Kiến Tường.
+ Thanh Hóa: Thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn, Thị xã Nghi Sơn, Bỉm Sơn.
+ Khánh Hòa: Thị xã Ninh Hòa.
+ Sóc Trăng: Thành phố Sóc Trăng.
- Vùng 4 lên vùng 3 sẽ tăng từ 3.250.000 đồng lên thành 3.640.000 đồng/tháng, tương ứng mức tăng 18,77% đối với các địa phương:
+ Hải Dương: Huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Thanh Hà.
+ Thanh Hóa: Các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống.
+ Thái Bình: Các huyện Thái Thụy, Tiền Hải.
+ Ninh Thuận: Huyện Ninh Phước.
Như vậy, từ tháng 7/2024 lương của người lao động sẽ tăng thêm hơn 20% khi làm việc ở những tỉnh được điều chỉnh từ vùng 3 lên vùng 2 như trên.
Người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động từ mức lương tối thiểu vùng trở lên đúng không?
Căn cứ theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương như sau:
Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Đồng thời, căn cứ theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định về mức lương tối thiểu như sau:
Mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Theo đó, người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động từ mức lương tối thiểu vùng trở lên.
Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường được xác định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Áp dụng mức lương tối thiểu
...
3. Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:
a) Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.
b) Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.
Như vậy, mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày được xác định như sau:
- Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng.
- Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày.