Từ 1/7/2025 văn bản công chứng có hiệu lực khi nào? Công chứng viên có phải chịu trách nhiệm về văn bản công chứng hay không?
Văn bản công chứng có hiệu lực khi nào?
Căn cứ theo Điều 6 Luật Công chứng 2024 quy định như sau:
Hiệu lực và giá trị pháp lý của văn bản công chứng
1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký và tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu vào văn bản; trường hợp là văn bản công chứng điện tử thì có hiệu lực theo quy định tại khoản 2 Điều 64 của Luật này.
2. Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan, là cơ sở để các bên tham gia giao dịch đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các thủ tục liên quan đến giao dịch đã được công chứng.
3. Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
Theo đó, văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký và tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu vào văn bản.
Riêng đối với văn bản công chứng điện tử thì có hiệu lực kể từ thời điểm được ký bằng chữ ký số của công chứng viên và chữ ký số của tổ chức hành nghề công chứng.
Từ 1/7/2025 văn bản công chứng có hiệu lực khi nào? Công chứng viên có phải chịu trách nhiệm về văn bản công chứng hay không? (Hình từ Internet)
Chữ viết và cách ghi thời điểm trong văn bản công chứng như thế nào?
Căn cứ theo Điều 47 Luật Công chứng 2024 quy định như sau:
Chữ viết và cách ghi thời điểm trong văn bản công chứng
1. Chữ viết trong văn bản công chứng phải rõ ràng, dễ đọc, không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, không được viết xen dòng, viết đè dòng, không được tẩy xóa, không được để trống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Thời điểm công chứng phải được ghi cụ thể ngày, tháng, năm; có thể ghi giờ, phút nếu người yêu cầu công chứng đề nghị hoặc công chứng viên thấy cần thiết. Các con số thể hiện thời điểm công chứng phải được ghi cả bằng số và chữ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo đó, chữ viết và cách ghi thời điểm trong văn bản công chứng như sau:
* Về chữ viết trong văn bản công chứng: phải rõ ràng, dễ đọc, không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, không được viết xen dòng, viết đè dòng, không được tẩy xóa, không được để trống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
* Về thời điểm công chứng: phải được ghi cụ thể ngày, tháng, năm; có thể ghi giờ, phút nếu người yêu cầu công chứng đề nghị hoặc công chứng viên thấy cần thiết. Các con số thể hiện thời điểm công chứng phải được ghi cả bằng số và chữ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Công chứng viên có phải chịu trách nhiệm về văn bản công chứng hay không?
Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng và thực hiện một số việc chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực (theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2024).
Căn cứ theo khoản 2 Điều 18 Luật Công chứng 2024 quy định về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên như sau:
Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên
...
2. Công chứng viên có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng;
b) Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng;
c) Hành nghề tại 01 tổ chức hành nghề công chứng; bảo đảm thời gian làm việc theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng;
d) Hướng dẫn người yêu cầu công chứng thực hiện đúng các quy định về thủ tục công chứng và quy định của pháp luật có liên quan; giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng;
đ) Từ chối công chứng trong trường hợp giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội và các trường hợp khác theo quy định của Luật này; giải thích rõ lý do từ chối công chứng;
e) Giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
g) Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm;
h) Gia nhập Hội công chứng viên tại địa phương nơi muốn hành nghề và duy trì tư cách hội viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó;
i) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng mà mình thực hiện;
k) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là thành viên hợp danh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân;
l) Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo quy định về nghĩa vụ của công chứng viên, công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng mà mình thực hiện.
Lưu ý: Luật Công chứng 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025.