Từ 1/7/2025, sẽ cấp lại thẻ công chứng viên khi tổ chứng hành nghề công chứng thay đổi tên đúng không?
Từ 1/7/2025, sẽ cấp lại thẻ công chứng viên khi tổ chứng hành nghề công chứng thay đổi tên đúng không?
Căn cứ theo Điều 38 Luật Công chứng 2024 quy định:
Thẻ công chứng viên
1. Công chứng viên phải xuất trình thẻ công chứng viên khi hành nghề công chứng.
2. Sở Tư pháp cấp thẻ cho công chứng viên của Phòng công chứng sau khi có quyết định thành lập Phòng công chứng hoặc khi Phòng công chứng bổ sung công chứng viên.
Sở Tư pháp cấp thẻ cho công chứng viên của Văn phòng công chứng khi cấp giấy đăng ký hoạt động, cấp lại hoặc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng đối với trường hợp Văn phòng công chứng bổ sung công chứng viên.
3. Thẻ công chứng viên được cấp lại trong trường hợp thẻ đã được cấp bị mất, bị hỏng hoặc tổ chức hành nghề công chứng thay đổi tên.
4. Thẻ công chứng viên bị thu hồi trong trường hợp miễn nhiệm công chứng viên hoặc công chứng viên không còn hành nghề tại tổ chức hành nghề công chứng mà mình được cấp thẻ, tổ chức hành nghề công chứng giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc thay đổi tên.
5. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết mẫu thẻ công chứng viên, việc cấp, cấp lại và thu hồi thẻ công chứng viên.
Chiếu theo quy định trên, các trường hợp cấp lại thẻ công chứng viên bao gồm:
- Thẻ công chứng viên đã được cấp bị mất, bị hỏng;
- Tổ chức hành nghề công chứng thay đổi tên.
Như vậy, từ 1/7/2025, khi tổ chức hành nghề công chứng thay đổi tên thì Sở Tư pháp sẽ cấp lại thẻ công chứng viên.
Theo đó, việc cấp lại thẻ công chứng viên khi tổ chức hành nghề công chứng thay đổi tên giúp đảm bảo rằng thông tin trên thẻ công chứng viên luôn khớp với tên gọi chính thức của tổ chức hành nghề công chứng, giúp tránh nhầm lẫn và bảo đảm tính chính xác trong các giao dịch công chứng.
Từ 1/7/2025, sẽ cấp lại thẻ công chứng viên khi tổ chứng hành nghề công chứng thay đổi tên đúng không?
Các trường hợp miễn nhiệm công chứng viên từ ngày 1/7/2025 là gì?
Căn cứ theo Điều 16 Luật Công chứng 2024 quy định, ngoài trường hợp công chứng viên được miễn nhiệm theo nguyện vọng cá nhân hoặc khi được chuyển làm công việc khác và trường hợp đương nhiên miễn nhiệm khi công chứng viên quá 70 tuổi, công chứng viên sẽ bị miễn nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không còn đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 Luật Công chứng 2024, trừ trường hợp đương nhiên miễn nhiệm;
- Bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
- Được tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động giữ một trong các vị trí công tác quy định tại khoản 5 Điều 14 Luật Công chứng 2024, trừ trường hợp đã được miễn nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Công chứng 2024;
- Thuộc trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 9 Luật Công chứng 2024;
- Không hành nghề công chứng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên hoặc không hành nghề công chứng liên tục từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp không hành nghề do bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng theo quy định tại Điều 15 Luật Công chứng 2024; Văn phòng công chứng bị tạm ngừng hoạt động theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Công chứng 2024;
- Hết thời hạn tạm đình chỉ hành nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Công chứng 2024 mà lý do tạm đình chỉ vẫn còn;
- Bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 lần trở lên về hoạt động hành nghề công chứng trong thời hạn 12 tháng; hành nghề công chứng khi chưa đủ điều kiện hành nghề công chứng hoặc trong thời gian bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng;
- Bị xử lý kỷ luật từ 02 lần trở lên trong thời hạn 12 tháng hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc;
- Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;
- Thuộc trường hợp không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên tại thời điểm được bổ nhiệm.
Công chứng viên bị miễn nhiệm không được bổ nhiệm lại trong trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 17 Luật Công chứng 2024 quy định:
Bổ nhiệm lại công chứng viên
...
3. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được bổ nhiệm lại công chứng viên:
a) Bị miễn nhiệm công chứng viên do bị kết án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích; do bị kết án về tội phạm do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích;
b) Bị miễn nhiệm công chứng viên do hành nghề công chứng khi chưa đủ điều kiện hành nghề công chứng hoặc trong thời gian bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng;
c) Thuộc trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên theo quy định tại Điều 14 của Luật này tại thời điểm đề nghị bổ nhiệm lại công chứng viên.
...
Như vậy, nếu công chứng viên bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây thì sẽ không được bổ nhiệm lại:
- Bị miễn nhiệm công chứng viên do bị kết án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích; do bị kết án về tội phạm do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích;
- Bị miễn nhiệm công chứng viên do hành nghề công chứng khi chưa đủ điều kiện hành nghề công chứng hoặc trong thời gian bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng;
- Thuộc trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên theo quy định tại Điều 14 Luật Công chứng 2024 tại thời điểm đề nghị bổ nhiệm lại công chứng viên.
*Luật Công chứng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.