Trường hợp nào người lao động không được hưởng trợ cấp thôi việc?
Trường hợp nào người lao động không được hưởng trợ cấp thôi việc?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
…
Dẫn chiếu đến khoản 5,8,11,12 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
…
5. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
…
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
…
11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.
12. Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
13. Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.
Như vậy, nếu người lao động chấm dứt hợp đồng lao động tại các trường hợp khoản 5,8,11,12,13 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc dù đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên.
Ngoài ra, trong trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc nhưng vẫn không được công ty chi trả trợ cấp thôi việc nếu người đó thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật Lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động, trừ các trường hợp sau:
a) Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội;
b) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động. Trường hợp được coi là có lý do chính đáng theo quy định tại khoản 4 Điều 125 của Bộ luật Lao động.
Như vậy, người lao động cần lưu ý không vi phạm hoặc tránh thuộc các trường hợp nêu trên để được hưởng chế độ thôi việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc của người lao động (Hình từ Internet)
Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc của người lao động như thế nào?
Như đề cập tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 nêu trên, người lao động đáp ứng được các điều kiện sau đây sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc, cụ thể:
- Người lao động đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên trước khi nghỉ việc.
- Chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9, 10 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019.
Tiền từ trợ cấp thôi việc có tính thuế TNCN không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi bởi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 có quy định như sau:
Thu nhập chịu thuế
…
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, từ quy định trên trợ cấp thôi việc không thuộc thu nhập chịu thuế TNCN.
Tuy nhiên, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC) quy định các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nêu trên thì trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế tức trợ cấp thôi việc có tính thuế tncn. Còn không vượt mức thì sẽ không tính thuế TNCN.