Trader là nghề gì? Con đường trở thành Trader chuyên nghiệp như thế nào?
Trader là nghề gì? Con đường trở thành Trader chuyên nghiệp như thế nào?
Trader là người thực hiện các giao dịch mua bán sản phẩm tài chính trên thị trường như cổ phiếu, trái phiếu, tiền điện tử, vàng, v.v. Mục tiêu của họ là kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch giá giữa các phiên mua vào và bán ra.
Con đường trở thành trader chuyên nghiệp:
- Hiểu rõ thị trường tài chính:
+ Đọc sách, tham gia các khóa học trực tuyến và học hỏi từ các trader thành công.
+ Nắm vững các quy luật và phong cách giao dịch của từng loại thị trường như Forex, chứng khoán, hàng hóa.
- Xây dựng chiến lược giao dịch rõ ràng:
+ Xác định mục tiêu lợi nhuận và quy luật thua lỗ.
+ Ghi chép lại các quyết định giao dịch để theo dõi và phân tích hiệu suất.
- Kiểm soát tâm lý giao dịch:
+ Thực hành các bài tập như thiền định, yoga để giữ bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc khi đối mặt với biến động thị trường.
- Thực hành và phân tích:
+ Bắt đầu với tài khoản demo để trải nghiệm công cụ giao dịch mà không chịu áp lực tài chính.
+ Khi tự tin, chuyển sang tài khoản thực để trải nghiệm thực tế.
- Nâng cao kỹ năng phân tích kỹ thuật: Sử dụng các chỉ báo kỹ thuật như RSI, MACD, Stochastic Oscillator, và tìm hiểu thêm về nến Nhật, Fibonacci, mẫu hình.
- Quản lý rủi ro: Xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro chặt chẽ để bảo vệ vốn đầu tư.
Trở thành một trader chuyên nghiệp đòi hỏi sự kiên nhẫn, kỷ luật và không ngừng học hỏi. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tìm hiểu thêm về các khóa học và tài liệu liên quan để trang bị cho mình những kiến thức cần thiết.
Thông tin mang tính chất tham khảo.
Trader là nghề gì? Con đường trở thành Trader chuyên nghiệp như thế nào? (Hình từ Internet)
Chứng chỉ hành nghề chứng khoán bao gồm các loại nào?
Theo Điều 97 Luật Chứng khoán 2019 quy định:
Chứng chỉ hành nghề chứng khoán
1. Chứng chỉ hành nghề chứng khoán bao gồm các loại sau đây:
a) Chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán;
b) Chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính;
c) Chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.
2. Chứng chỉ hành nghề chứng khoán được cấp cho cá nhân đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị cấm hành nghề chứng khoán theo quy định của pháp luật;
b) Có trình độ từ đại học trở lên;
c) Có trình độ chuyên môn về chứng khoán;
d) Đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán đề nghị cấp. Người nước ngoài có chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán hoặc những người đã hành nghề chứng khoán hợp pháp ở nước ngoài phải đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán của Việt Nam.
3. Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán bị thu hồi chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong các trường hợp sau đây:
a) Không còn đáp ứng điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Vi phạm quy định tại Điều 12, khoản 2 Điều 98 của Luật này;
c) Không hành nghề chứng khoán trong 03 năm liên tục.
4. Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này không được cấp lại chứng chỉ hành nghề chứng khoán.
5. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề chứng khoán và việc quản lý, giám sát người hành nghề chứng khoán.
Theo đó chứng chỉ hành nghề chứng khoán bao gồm 03 loại sau đây:
- Chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán;
- Chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính;
- Chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.
Mẫu bản thông tin cá nhân của người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán: Tại đây
Người hành nghề chứng khoán có trách nhiệm gì?
Theo Điều 98 Luật Chứng khoán 2019 quy định thì người hành nghề chứng khoán có các trách nhiệm sau đây:
- Người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán chỉ được hành nghề chứng khoán với tư cách đại diện cho công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam hoặc công ty đầu tư chứng khoán.
- Người hành nghề chứng khoán không được thực hiện các hành vi như:
+ Đồng thời làm việc cho từ 02 công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán trở lên;
+ Mở, quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán nơi mình không làm việc, trừ trường hợp công ty chứng khoán nơi mình đang làm việc không có nghiệp vụ môi giới chứng khoán;
+ Thực hiện hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán nơi mình đang làm việc.
- Người hành nghề chứng khoán phải tham gia các khóa tập huấn về pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, hệ thống giao dịch, loại chứng khoán mới do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tổ chức.
- Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán chịu trách nhiệm về hoạt động nghiệp vụ của người hành nghề chứng khoán.