Trách nhiệm phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở thế nào?
Trách nhiệm phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở thế nào?
Theo Điều 19 Luật Công đoàn 2024 quy định về trách nhiệm phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở như sau:
- Công đoàn có quyền, trách nhiệm phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
- Công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền, trách nhiệm cử cán bộ công đoàn đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người lao động gia nhập, thành lập công đoàn cơ sở.
- Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, gặp gỡ, hướng dẫn người làm việc không có quan hệ lao động gia nhập, thành lập nghiệp đoàn cơ sở.
- Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, gặp gỡ người lao động để gia nhập Công đoàn.
- Trường hợp người lao động tự thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở thì được Công đoàn hướng dẫn, hỗ trợ người lao động lập ban vận động để thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
- Chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan, tổ chức khác có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để các cấp công đoàn thực hiện quyền, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập, thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
XEM THÊM: Các khoản chi tuyên truyền vận động và phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn của công đoàn cơ sở
Trách nhiệm phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở thế nào? (Hình từ Internet)
Đoàn viên công đoàn được trao cho những quyền gì?
Theo Điều 21 Luật Công đoàn 2024 quy định quyền của đoàn viên công đoàn như sau:
- Yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.
- Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn.
- Được tuyên truyền, phổ biến về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công đoàn, người lao động và quy định của Công đoàn.
- Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo của Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn 2024 và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
- Chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn các cấp, kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
- Được Công đoàn hỗ trợ pháp lý miễn phí pháp luật về công đoàn, lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động, cán bộ, công chức, viên chức.
- Được Công đoàn tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ tìm việc làm, học nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; được thăm hỏi, giúp đỡ khi ốm đau, thai sản, khó khăn, hoạn nạn và thụ hưởng các hoạt động chăm lo, phúc lợi khác do Công đoàn thực hiện.
- Được tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan, du lịch do Công đoàn tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.
- Đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.
- Được thụ hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích trong lao động, sản xuất và hoạt động công đoàn.
- Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Trách nhiệm của Nhà nước đối với Công đoàn ra sao?
Theo Điều 23 Luật Công đoàn 2024 quy định trách nhiệm của Nhà nước đối với Công đoàn như sau:
- Bảo đảm, hỗ trợ, phối hợp, tạo điều kiện cho Công đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công đoàn, lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.
- Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về công đoàn, lao động và pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; cùng với Công đoàn chăm lo và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
- Lấy ý kiến của Công đoàn khi xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến công đoàn và quyền, nghĩa vụ của người lao động.
- Phối hợp và tạo điều kiện để Công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; có chính sách ưu tiên tuyển dụng cán bộ công đoàn chuyên trách trưởng thành từ cơ sở, người lao động trưởng thành trong phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.
- Kịp thời xử lý kiến nghị của Công đoàn liên quan đến việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và hoạt động công đoàn.
- Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để Công đoàn tham gia ý kiến, phản biện xã hội trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước có liên quan trực tiếp đến công đoàn, quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn, người lao động.
Lưu ý: Luật Công đoàn 2024 có hiệu lực từ 01/07/2025.