Tổng hợp các ngày lễ trong tháng 10 năm 2024 gồm những ngày nào? Ngày lễ nào trong tháng này được nghỉ làm hưởng nguyên lương?
Tổng hợp các ngày lễ trong tháng 10 năm 2024 gồm những ngày nào?
Dưới đây là danh sách tổng hợp các ngày lễ trong tháng 10 năm 2024:
(1) Ngày Quốc Tế Người Cao Tuổi (01/10)
Ngày 14/12/1990, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lấy ngày 1/10 hằng năm làm Ngày quốc tế người cao tuổi. Ngày Quốc tế người cao tuổi đầu tiên được tiến hành vào ngày 01/10/1991.
Ngày Quốc tế người cao tuổi được tổ chức hằng năm để nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến người cao tuổi, đó cũng là một ngày để ghi nhận những đóng góp mà những người cao tuổi đã làm cho xã hội, cũng là tâm điểm của Chương trình về người cao tuổi của Liên hợp quốc và các tổ chức bảo vệ người cao tuổi.
(2) Ngày Khuyến Học Việt Nam (02/10)
Tại Điều 1 Quyết định 1271/QĐ-TTg năm 2008 có nêu rõ như sau:
Điều 1. Lấy ngày 02 tháng 10 hàng năm là Ngày Khuyến học Việt Nam để động viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài.
...
Theo đó, ngày 2/10 hằng năm là Ngày Khuyến học Việt Nam được lập ra nhằm mục đích động viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài.
(3) Ngày Nhà Giáo Thế Giới (05/10)
Ngày Nhà giáo Thế giới (World Teachers' Day) được UNESCO tổ chức hàng năm vào ngày 5/10. Đây là ngày nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và tôn vinh những đóng góp quan trọng của thầy cô giáo cho nền giáo dục và sự phát triển trên toàn thế giới. Ngày này, các học sinh sẽ dành tặng những món quà nhỏ chẳng hạn như bông hoa tươi thắm đến các thầy cô để bày tỏ lòng biết ơn của mình.
(4) Ngày Giải Phóng Thủ Đô (10/10)
Ngày 10/10/1954 là ngày thủ đô Hà Nội thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân. Sự kiện này là mốc son chói lọi, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển của thủ đô và đất nước.
(5) Ngày Truyền Thống Luật Sư Việt Nam (10/10)
Tại Điều 1 Quyết định 149/QĐ-TTg năm 2013 có nêu rõ:
Điều 1. Lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là “Ngày truyền thống của luật sư Việt Nam”.
Theo đó, ngày 10 tháng 10 hằng năm là ngày truyền thống của luật sư Việt Nam. Ngày này được lập ra để ghi nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ luật sư cho đất nước trong nhiều năm qua.
(6) Ngày chuyển đổi số Quốc gia (10/10)
Căn cứ Điều 1 Quyết định 505/QĐ-TTg năm 2022 quy định như sau:
Điều 1. Lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
(7) Ngày Doanh Nhân Việt Nam (13/10)
Căn cứ Điều 1 Quyết định 990/QĐ-TTg năm 2004 quy định như sau:
Điều 1. Hàng năm lấy ngày 13 tháng 10 là "Ngày Doanh nhân Việt Nam".
Theo đó, ngày 13 tháng 10 hằng năm là "Ngày Doanh nhân Việt Nam".
Việc thành lập ngày này có ý nghĩa tôn vinh đóng góp của những doanh nhân với sự phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để khen thưởng và động viên phong trào thi đua, sản xuất của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
(8) Ngày Thành Lập Hội Nông Dân Việt Nam (14/10)
Ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã quyết định lấy ngày 14/10/1930 làm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Đây là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
(9) Ngày Truyền Thống Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam (15/10)
Vào ngày 15/10/1956, Trung ương Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Ban mặt trận Thanh niên toàn quốc đã quyết định lấy ngày 15/10 hằng năm là ngày truyền thống của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
(10) Ngày Phụ Nữ Việt Nam (20/10)
Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt nam (nay đổi tên thành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã chính thức được thành lập. Sau đó, Đảng đã quyết định lấy ngày 20/10 hằng năm là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, với tên gọi chính thức là Ngày Phụ nữ Việt Nam.
(11) Ngày Điều dưỡng Việt Nam (26/10)
Ngày 26/10/1990, Hội Điều dưỡng Việt Nam chính thức được thành lập. Kể từ đó ngày 26 hằng năm được quy định là ngày Điều dưỡng của Việt Nam..
(12) Lễ Hội Halloween (31/10)
Halloween là một lễ hội truyền thống lớn được tổ chức vào ngày 31/10 hàng năm, trước ngày Lễ các Thánh của đạo Kitô giáo.
Ngày Halloween được tổ chức để đánh dấu sự kết thúc của vụ mùa thu hoạch và bắt đầu mùa đông lạnh giá, nhằm tưởng nhớ những người quá cố, gồm các vị thánh, các vị tử vì đạo và tất cả những người thân đã qua đời.
Ngày nay, lễ hội Halloween thường được tổ chức rộng rãi trên khắp thế giới, quy mô lớn hay nhỏ tùy theo mỗi quốc gia.
Thông tin mang tính chất tham khảo.
Tổng hợp các ngày lễ trong tháng 10 năm 2024? (Hình từ Internet)
Những ngày lễ nào trong tháng 10 năm 2024, người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương?
Căn cứ theo Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Ngoài ra căn cứ tại quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
5. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
6. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
7. Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Và tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Theo đó, trong những trường hợp nghỉ hưởng nguyên lương theo ngày nghỉ lễ, tết không có trường hợp quy định người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương vào các ngày lễ trong tháng 10 năm 2024.
Như vậy, người lao động sẽ không được nghỉ hưởng nguyên lương vào các ngày lễ trong tháng 10 năm 2024.
Tuy nhiên, người lao động có thể sử dụng ngày nghỉ phép năm của mình để được nghỉ hưởng nguyên lương vào các ngày này (trong trường hợp các ngày lễ trong tháng 10 năm 2024 không phải là ngày nghỉ hằng tuần của người lao động).
Trong trường hợp các ngày lễ trong tháng 10 năm 2024 rơi vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ làm việc, tuy nhiên sẽ không được hưởng lương.
Bên cạnh đó, nếu các ngày lễ trong tháng 10 năm 2024 mà rơi vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động vẫn sẽ được nghỉ hưởng nguyên lương.
Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ phép năm trong 1 năm?
Căn cứ Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, số ngày phép năm của người lao động như sau:
- Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ phép năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
+ 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
+ 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 114 Bộ luật Lao động 2019, cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày phép năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày.