Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp của người hành nghề luật sư thể hiện qua quy tắc nào?
Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp của người hành nghề luật sư thể hiện qua quy tắc nào?
Căn cứ theo Quy tắc 18 tại Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 có quy định về tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp như sau:
Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp
18.1. Luật sư có ý thức tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống; góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp luật sư.
18.2. Trường hợp các luật sư có quan điểm khác nhau khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cùng một khách hàng trong cùng vụ việc, luật sư cần trao đổi để tránh xảy ra mâu thuẫn, gây ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp và quyền lợi của khách hàng.
Như vậy, từ quy định trên cũng đã thấy rõ tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp của người hành nghề luật sư thể hiện qua quy tắc 18 trong Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp của người hành nghề luật sư thể hiện qua quy tắc nào?
Luật sư không được làm gì trong quan hệ với đồng nghiệp?
Căn cứ theo Quy tắc 21 tại Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 có quy định về những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp, cụ thể như sau:
- Có lời nói, hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng nghiệp hoặc gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp.
- Thông đồng, đưa ra đề nghị với luật sư của khách hàng có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân.
- Tiếp xúc, trao đổi riêng với khách hàng đối lập về quyền lợi với khách hàng của mình để giải quyết vụ việc khi biết khách hàng đó có luật sư mà không thông báo cho luật sư đồng nghiệp bảo vệ quyền lợi hoặc luật sư đại diện cho khách hàng đó biết.
- Thuê, trả tiền môi giới khách hàng hoặc môi giới khách hàng cho đồng nghiệp để nhận tiền hoa hồng.
- Thực hiện các hành vi nhằm mục đích giành giật khách hàng như:
+ So sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng, miền hoạt động hành nghề của luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư này với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư khác;
+ Xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về cho mình hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo luật sư đồng nghiệp;
+ Trực tiếp hoặc sử dụng các nhân viên của mình hoặc người khác làm người lôi kéo, dụ dỗ khách hàng, trước trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, cơ quan nhà nước và các tổ chức khác.
- Áp đặt hoặc cố tình chi phối làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong hành nghề của đồng nghiệp có quan hệ phụ thuộc với luật sư như quan hệ thầy - trò, cấp trên - cấp dưới, huyết thống, thân thuộc.
- Có hành vi tạo thành phe, nhóm giữa các luật sư để cô lập đồng nghiệp trong quá trình hành nghề.
- Thực hiện việc liên kết, liên danh, thành lập nhóm luật sư hoạt động trái với quy định của pháp luật về luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ Quy tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư.
Không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư trong trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 17 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 có quy định không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư đối với các trường hợp sau đây:
- Không đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 Luật Luật sư 2006:
Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.
- Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
- Không thường trú tại Việt Nam;
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý kể cả trường hợp đã được xóa án tích;
- Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;
- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Những người quy định tại điểm b khoản 4 Điều 17 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 bị buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực.