Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, quán triệt Thẩm phán ra sao theo Chỉ thị 05?
Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, quán triệt Thẩm phán ra sao theo Chỉ thị 05?
Theo Chỉ thị 05/2024/CT-CA (có hiệu lực ngày 28/09/2024) thì trong những năm qua, việc thực hiện pháp luật thi hành án hình sự của các Tòa án ngày càng đi vào nền nếp; bảo đảm thời hạn, căn cứ và quy trình thủ tục; góp phần quan trọng, đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác thi hành án hình sự nói chung.
Tuy nhiên, cũng đã phát hiện một số sai sót, có trường hợp không ra quyết định thi hành án hoặc không gửi quyết định cho người phải thi hành án; cơ quan có trách nhiệm không thực hiện áp giải thi hành án; không theo dõi kết quả ủy thác thi hành án...
Nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, phần lớn sai sót là do chưa có quy trình chặt chẽ trong theo dõi, giám sát quá trình và kết quả thực hiện công tác thi hành án tại các Tòa án cấp sơ thẩm, đặc biệt là đối với những trường hợp ủy thác thi hành án trước thời điểm Luật Thi hành án hình sự năm 2010 (đã hết hiệu lực) được ban hành.
Để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án hình sự, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân các cấp và Chánh án Tòa án quân sự các cấp, trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, thực hiện ngay 05 công việc.
Trong đó bao gồm việc chỉ đạo, quán triệt các Thẩm phán, ngay khi kết thúc xét xử vụ án hình sự phải hoàn thiện và giao bản án đúng quy định. Các Tòa án đã xét xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hình sự phải kịp thời gửi bản án, quyết định về Tòa án đã xét xử sơ thẩm để việc thi hành các bản án, quyết định được kịp thời, đúng pháp luật.
Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, quán triệt Thẩm phán ra sao theo Chỉ thị 05? (Hình từ Internet)
Thẩm phán Tòa án nhân dân không được làm những việc nào?
Theo Điều 104 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định những việc Thẩm phán không được làm gồm:
- Những việc pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.
- Vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán.
- Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác về vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết.
- Can thiệp trái pháp luật vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.
- Đem hồ sơ vụ án, vụ việc hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan, trừ trường hợp vì nhiệm vụ được giao hoặc được sự đồng ý của người có thẩm quyền.
- Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền xét xử, giải quyết không đúng nơi quy định.
- Lạm dụng, lợi dụng quyền lực; sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng.
- Truy ép, gợi ý cho bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng cung cấp tài liệu, khai báo, trình bày sự việc không khách quan, trung thực.
- Vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Làm luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, trọng tài viên, hòa giải viên, trợ giúp viên pháp lý, đấu giá viên, quản tài viên; tư vấn pháp lý cho pháp nhân thương mại; góp vốn vào công ty luật, văn phòng luật sư, văn phòng công chứng, văn phòng thừa phát lại, trung tâm trọng tài.
Thẩm phán Tòa án nhân dân có trách nhiệm gì?
Theo Điều 103 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định thì Thẩm phán có trách nhiệm như sau:
- Trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, kiên quyết bảo vệ công lý.
- Tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.
- Xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; vô tư, khách quan trong xét xử; chấp hành quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán, giữ gìn uy tín của Tòa án.
- Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, bị hại, đương sự và những người tham gia tố tụng khác theo quy định của luật.
- Giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật.
- Học tập, nghiên cứu, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, đạo đức, bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp của Thẩm phán.
- Tham gia bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, kiến thức xã hội liên quan, về đạo đức, trách nhiệm và ứng xử của Thẩm phán theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Lưu ý: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có hiệu lực 01/01/2025.