Tổ chức WTO là gì? WTO ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và mức lương của người lao động hay không?
Tổ chức WTO là gì?
WTO có tên đầy đủ là Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization). Tổ chức này được thành lập và hoạt động từ 01/01/1995 với mục tiêu thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch.
Tổ chức này kế thừa và phát triển các quy định và thực tiễn thực thi Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan - GATT 1947 (chỉ giới hạn ở thương mại hàng hoá) và là kết quả trực tiếp của Vòng đàm phán Uruguay (bao trùm các lĩnh vực thương mại hàng hoá, dịch vụ, sở hữu trí tuệ và đầu tư).
Các thành viên trong WTO: Tính đến ngày 29/7/2016, tổ chức này có 164 thành viên. Thành viên của WTO là các quốc gia (ví dụ Hoa Kỳ, Việt Nam…) hoặc các vùng lãnh thổ tự trị về quan hệ ngoại thương (ví dụ EU, Đài Loan, Hồng Kông…).
Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ ngày 11/01/2007.
Tổ chức WTO là gì? Hiện nay WTO ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và mức lương của người lao động hay không?
Tổ chức WTO ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam ra sao kể từ khi Việt Nam gia nhập?
Theo Tạp chí Ngân hàng của Ngân hàng nhà nước Việt Nam có nội dung đề cập về ảnh hưởng của Tổ chức WTO đến nền kinh tế Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập như sau:
Dấu ấn WTO được ghi nhận rõ nét trong việc đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP và cải thiện cán cân thương mại hàng hóa chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 6 năm liên tục từ năm 2016 đến nay (dù vẫn nhập siêu dịch vụ).
Theo Tổng cục Thống kê, nếu như năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước chỉ ở mức 84,7 tỷ USD (xuất khẩu là 39,8 tỷ USD), thì đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt tới 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 và tăng hơn 7 lần so với năm 2006. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong năm 2021, cả nước có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%); kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020 và có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Việc tuân thủ các cam kết hội nhập cũng giúp Việt Nam cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế quan trọng khác. Theo đánh giá và xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã cải thiện từ thứ hạng 68/121 năm 2007, lên thứ 55/137 năm 2017, và chuyển từ nhóm nửa dưới của bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu lên nhóm nửa trên. Năm 2019, GCI 4.0 của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018 và xếp thứ 67/141 nền kinh tế.
Những kết quả về thương mại trên cho thấy Việt Nam là đất nước “mở” sau khi gia nhập WTO và thực thi nghiêm túc các cam kết gia nhập.
Những thành tựu đó là kết quả của quá trình dài nỗ lực, bền bỉ và kiên định thực hiện đồng bộ nhiều chính sách đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất và sửa đổi các quy định pháp luật; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng hiện đại, minh bạch, tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế theo tinh thần của WTO và các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia.
Xem chi tiết: https://tapchinganhang.gov.vn/dau-an-viet-nam-sau-15-nam-gia-nhap-to-chuc-thuong-mai-the-gioi.htm
Tổ chức WTO ảnh hưởng đến mức lương của người lao động Việt Nam hay không?
Căn cứ theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Theo quy định trên mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh dựa trên:
- Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ;
- Tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường;
- Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế;
- Quan hệ cung, cầu lao động;
- Việc làm và thất nghiệp;
- Năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Từ các phân tích ở trên có thể thấy WTO ảnh hưởng tích cực đến tốc độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng là một trong những căn cứ điều chỉnh mức lương tối thiểu nên có thể nói WTO cũng có những tác định gián tiếp đến việc điều chỉnh mức lương của người lao động Việt Nam.