Tổ chức tuyển chọn và thu tiền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bị xử phạt như thế nào?
Mục đích đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài?
Căn cứ Điều 1 Nghị định 141/2005/NĐ-CP quy định về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài như sau:
Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
1. Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một hoạt động kinh tế - xã hội góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tác phong làm việc tiên tiến cho người lao động.
2. Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức, người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước tham gia vào việc mở thị trường, tìm đối tác, hợp đồng để tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại.
Theo đó, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tác phong làm việc tiên tiến cho người lao động.
Tổ chức tuyển chọn và thu tiền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện thế nào?
Theo Điều 5 Nghị định 141/2005/NĐ-CP quy định về tuyển chọn lao động như sau:
Tuyển chọn lao động
Doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định này phải trực tiếp tuyển chọn lao động; phối hợp với chính quyền địa phương thông báo công khai về số lượng lao động tuyển chọn, giới tính, độ tuổi, ngành nghề, thời hạn hợp đồng, điều kiện làm việc và sinh hoạt, tiền công, tiền làm thêm giờ và các khoản thu nhập khác (nếu có), bảo hiểm xã hội, các khoản chi phí mà người lao động phải nộp trước khi đi và trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Và theo Điều 3 Nghị định 141/2005/NĐ-CP quy định về đối tượng áp dụng như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Doanh nghiệp.
2. Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
3. Người bảo lãnh cho người lao động.
4. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động.
Theo quy định trên, doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 141/2005/NĐ-CP này phải trực tiếp tuyển chọn lao động.
Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương thông báo công khai về số lượng lao động tuyển chọn, giới tính, độ tuổi, ngành nghề, thời hạn hợp đồng, điều kiện làm việc và sinh hoạt, tiền công, tiền làm thêm giờ và các khoản thu nhập khác (nếu có), bảo hiểm xã hội, các khoản chi phí mà người lao động phải nộp trước khi đi và trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Tổ chức tuyển chọn và thu tiền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 46 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cụ thể như sau:
Vi phạm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và một số đối tượng liên quan khác
1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng đào tạo nghề mà không phải do bị đe dọa, ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào và không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Tổ chức tuyển chọn và thu tiền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khi không có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo một trong các hình thức: doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc trả lại cho người lao động số tiền đã thu trái pháp luật của người lao động và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, khoản 3 Điều này.
Theo quy định, hành vi tuyển chọn và thu tiền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thể bị phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng.
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn buộc trả lại cho người lao động số tiền đã thu trái pháp luật của người lao động và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.